HẢI CHÁNH: KHUYẾN NÔNG GÓP PHẦN ĐƯA NỀN NÔNG NGHIỆP XÃ NHÀ ĐI LÊN
Ngày tạo: 03/10/2014
Lượt xem: 998
Hải Chánh là một xã thuần nông, nằm cách trung tâm huyện lỵ Hải Lăng 10 km về phía Nam, trên trục Quốc lộ 1A, với diện tích tự nhiên là 3.596,22ha. Những năm trở lại đây, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, thiên tai và dịch bệnh trong nông nghiệp thường xuyên đe dọa đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ và nhân dân xã nhà, cùng với sự hình thành, vào cuộc của đội ngủ cán bộ khuyến nông viên và cộng tác viên khuyến nông, sự hổ trợ của các chương trình Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, huyện đã giúp Hải Chánh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua sản xuất trên lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư ngư nghiệp, góp phần tạo nên một diện mạo mới trong bức tranh nông nghiệp quê nhà.
Hoạt động khuyến nông được xác định là cầu nối người nông dân đến với các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất làm giàu cho nông dân. Dưới sự chỉ đạo của UBND xã đã phát động các phong trào phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động chuyển giao KHKT cho nông dân, công tác dự tính dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng vật nuôi được đội ngủ khuyến nông chú trọng. Đặc biêt từ năm 2004 hệ thống khuyến nông viên cơ sở xã hình thành và năm 2008 đội ngũ cộng tác viên thôn bản được thành lập thì hoạt động KNKN ngày càng thể hiện vai trò, tầm quan trọng không thể thiếu trên bước đường đồng hành cùng nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Với sự góp sức của đội ngủ khuyến nông đã đưa năng suất, chất lượng hàng nông sản trên địa bàn xã ngày càng tăng cao đời sống của nhân dân Hải Chánh không ngừng được cải thiện, nhờ vậy mà nhiều năm liền Hải Chánh được huyện đánh giá là một đơn vị dẩn đầu trong ngành nông nghiệp.
Lãnh đạo xã luôn chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, đội ngũ khuyến nông cơ sở vững về chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên nắm bắt thông tin gửi danh sách cử cán bộ khuyến nông đi tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ khuyến nông và các lớp tập huấn nâng cao trình độ về trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận nhanh các tiến bộ KHKT để hướng dẫn, truyền đạt lại cho nhân dân. Hàng năm UBND xã phối hợp với Trung tâm KNKN tỉnh mở các lớp học nghề ngắn hạn, tập huấn trang bị kiến thức KHKT cho bà con trước khi triển khai nhờ vậy các tiến bộ KHKT được áp dụng rộng rải trên các cây trồng, con nuôi khác nhau. Với tổng diện tích trồng lúa hằng năm của xã là 404,29 ha được quy hoạch thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh nhằm phù hợp với từng bộ giống và đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất, thu hoạch. Thông qua lực lượng khuyến nông đã đưa được các tiến bộ KHKT như "Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)", "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" áp dụng sạ hàng, mạ ném thay thế tập quán sản xuất cổ truyền của nông dân nhờ vậy đã tăng năng suất và chất lượng vượt bậc so với trước đây, từ 75 tạ/ha/năm, (năm 1993) đến nay năng suất cả năm 119,45 tạ/ha. Chăn nuôi của xã chiếm khoảng 25% ngành nông ngiệp, đang dần được bà con chú trọng, với sự hổ trợ của các chương trình khuyến nông phát triển đàn bò theo hướng lai hóa, đàn lợn phát triển theo hướng gia trại và trang trại, áp dụng các tiến bộ KHKT như mô hình mô hình Cá lợn, nuôi lợn sinh sản F1 kết hợp sử dụng Biogas vừa giải quyết vấn đề môi trường vừa tận dụng để làm chất đốt, quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tổ chức cho bà con nông dân tham quan mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Diên tích mặt nước phục vụ cho phát triển thủy sản của xã12 ha, hàng năm UBND xã chỉ đạo đẩy mạnh việc thả nuôi một số loại cá truyền thống như trắm, mè đen, rô phi đơn tính, chép... cho sản lượng khá cao. Bên cạnh các ao, hồ, đập việc hổ trợ các mô hình của các chương trình khuyến nông quốc gia đến tỉnh huyện như nuôi cá lồng, nuôi cá trong bể xi măng đã được thử nghiệm thành công như: nuôi cá chình, cá rô đầu vuông, trê, lóc... vừa thuận tiện trong việc chăm sóc và chủ động trong việc thu hoạch, có thể nuôi theo thời vụ nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.
Từ những kết quả đã đạt được phải khẳng định rằng đội ngũ KNKN và công tác khuyến nông nói chung đã góp phần không nhỏ cho nền nông nghiệp xã nhà chuyển biến tích cực, từ một địa phương có nền nông nghiệp lạc hậu đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn thu nhập bình quân đầu người/năm 1 triệu đồng (năm 1993) đến nay bình quân thu nhập 22 triệu đồng/ người/năm. Hải Chánh đã vươn lên với nhiều hứa hẹn, các mô hình nông lâm ngư ngày càng nhiều, các tiến bộ KHKT được áp dụng rộng rải trong nhân dân, đây cũng là tiền đề để Hải Chánh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sớm được thành công.
Phan Việt Toàn - TTKNKNQT
|