NGHỊ LỰC CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN NGHÈO
Ngày tạo: 09/12/2013
Lượt xem: 1416
Đứng trên con đê quen thuộc của địa phận thôn Trà Lộc xã Hải Xuân huyện Hải Lăng nhìn xuống khu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá của thôn là ngút ngàn màu xanh tươi, sự trù phú của vùng quê đang hiện rõ nơi đây. Trong số những trang trại ở khu này, nổi bật nhất là cơ ngơi bề thế của gia đình anh Lê Chí Dũng và chị Cáp thị Cúc. Với những ao cá rộng được xây bờ kè vững chải, xung quanh là các khu chuồng trại nuôi lợn và vịt.
Năm 1992 anh chị cùng nhau xây dựng gia đình, và đôi vợ chồng trẻ mới lập nghiệp gặp thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vùng đất nông nghiệp thôn Trà Lộc là vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa lụt. Đất chua phèn không thích hợp với một loại cây trồng nào ngoại trừ lúa, nhưng cũng rất bấp bênh, nhiều năm bị mất mùa. Với bản chất cần cù, chịu khó nhưng thu nhập mang lại cho gia đình anh chị vẩn không đáng kể. Đến năm 2005 gia đình anh chị vẫn còn nằm trong nhóm hộ cận nghèo của xã.
Với sự mong mỏi phải làm gì để cải thiện cuộc sống hiện tại, ước muốn có một đời sống sung túc hơn, thoát nghèo vươn lên làm giàu và lo cho tương lai con cái. Năm 2006, 2 anh chị cùng nhau bàn bạc, bước đầu bắt tay làm thêm các hoạt động tạo thu nhập khác như nuôi cá, nuôi gà, trồng rau màu, với quy mô nhỏ nhưng kinh tế gia đình cũng không được cải thiện được bao nhiêu. Nguyên nhân chủ yếu là do anh chị gặp khó khăn về vốn, phương tiện sản xuất và nhất là về kỹ thuật. Đầu năm 2007 khi được tham gia khóa tập huấn về nuôi cá nước ngọt do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tổ chức, vợ chồng anh đã mạnh dạn đấu thầu, tham gia xây dựng mô hình 2ha trồng Sen - nuôi Cá trên vùng đất trũng của xã. Khi mới thực hiện gia đình anh chị gặp rất nhiều khó khăn, những hổ trợ ban đầu cho anh chị là hết sức quan trọng để giúp gia đình anh chị có cơ hội phát triển. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, và sự đề xuất của Khuyến nông viên cơ sở ở xã Hải Xuân. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, đã đồng ý cho anh tham gia xây dựng mô hình Sen - Cá. Chương trình đã hổ trợ cá giống để nuôi ngoài ra gia đình còn nhận được sự hổ trợ thức ăn và đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn. Trao đổi với chúng tôi anh Dũng tâm sự rất cởi mở rằng: "Trước đây tôi rất muốn thực hiện mô hình này nhưng chưa có vốn, đồng thời không biết có thành công không vì ở đây địa hình rất khó khăn, bản thân tôi không am hiểu kỹ thuật, sợ rủi ro nên không dám đầu tư. Nhờ sự hổ trợ ban đầu của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư giúp tôi mạnh dạn khi thực hiện mô hình, đặc biệt là sự hổ trợ kỹ thuật từ các lớp tập huấn, nó rất thiết thực đối với gia đình và bà con ở vùng này"

Mô hình nuôi cá rô của anh Dũng
Với những thành công ban đầu của mô hình Sen - Cá, năm 2009 khi xã có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém chất lượng sang nuôi cá, gia đình anh đã mạnh dạn đấu thầu gần 1 ha để mở rộng quy mô và chủng loại. Với sự mạnh dạn và quyết tâm đó anh đã dùng nguồn vốn sẵn có, vay thêm ngân hàng, mượn thêm bạn bè, bà con, hơn 100 triệu đồng để xây dựng mô hình. Gia đình anh đã thuê máy xúc về đào ao, đắp bờ, với bờ đê vững chải chủ động điều tiết nước tránh được lũ lụt, tháo úng xổ phèn, anh quy hoạch thành 2 ao cá, và các khu chuồng trại nuôi lợn. Tạo thành mô hình khép kín tận dụng triệt để lượng chất thải lớn từ lợn làm nguồn thức ăn cho cá. Nhưng khi thực hiện gia đình anh vẫn còn lo lắng vì mình chưa am hiểu sâu về kỹ thuật. Để kịp thời quan tâm tâm động viên, năm 2010 Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã chọn gia đình anh chị tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Tiếp xúc với chúng tôi chị Cúc vui vẻ cho biết "Thời gian đó tôi rất phấn khởi, sự hổ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư như là món quà tinh thần lớn cho gia đình, chị còn cho biết thêm trong quá trình thực hiện mô hình gia đình đã thường xuyên nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, hàng tuần Trung tâm cử cán bộ đến thăm mô hình, tận tình hướng dẫn cho gia đình từ công tác xử lý ao nuôi, cách chăm sóc phòng trị bệnh cho cá. Không chỉ ở lĩnh vực thủy sản mà những khó khăn trong kỹ thuật chăn nuôi gia đình tôi cũng được cán bộ tận tình chỉ dẫn. Ngoài ra gia đình còn được trao đổi kinh nghiệm và được cung cấp thông tin thị trường nên rất tin tưởng vào kết quả khả quan của mô hình". Có được thu nhập từ mô hình Lợn Cá anh chị đầu tư thêm xây chuồng nuôi vịt cạnh chuồng trại nuôi lợn và đã cho hiệu quả kinh tế đáng khích lệ.
Trong mỗi vụ thu hoạch cá, hồ nhà anh có rất nhiều loài tôm, tép, cá nhỏ, nếu đen bán thì chỉ có giá trị kinh tế thấp, trong lúc đang suy nghỉ cách để tận dụng sao cho có hiệu quả. Biết được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đang xây dựng mô hình "Chế biến thức ăn tại chổ" nhằm tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để nuôi cá, vịt, lợn..., anh đã viết đơn xin đăng ký. Đầu năm 2012 Trung tâm đã đồng ý cho gia đình anh tham gia mô hình, sau khi có máy, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, những lúc nông nhàn hay thu hoạch cá xong, vợ chồng anh đã tận dụng thêm các sản phẩm phụ nông nghiệp trong gia đình, tự chế biến và đem phơi khô thành nguồn thức ăn dự trữ cho vịt và cá. Thay thế một phần thức ăn công nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, từ đó anh cho biết hiệu quả nuôi tăng lên rỏ rệt và đã phần nào nâng cao thu nhập cho gia đình.
Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông - Khuyến ngư, chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, lợn, vịt qua các phương tiện thông tin đại chúng anh chị đã rút ra nhiều bài học quý báu trong cách lựa chọn con giống, xử lý ao nuôi, chuồng trại, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh... nên việc phát triển kinh tế của gia đình anh chị đã gặp nhiều thuận lợi. Đến thăm trang trại nhà anh chị cũng khâm phục. Với diện tích gần 1 ha ao hồ anh tập trung vào nuôi các loại cá thương phẩm như: trắm, chép, trôi, rô phi… Tận dụng diên tích mặt nước khá rộng hàng năm anh thả 2 lứa vịt mỗi lứa 500 con. Với sự đầu tư sản xuất quy mô và bài bản, hiện nay trang trại của gia đình anh chị lúc nào cũng có 5-7 lợn nái, đủ cung ứng con giống, không phải mua ở ngoài. Lợn thịt được nuôi theo cách gối lứa, mỗi lứa 17- 20 con, cứ 3 - 4 tháng là được xuất chuồng. Tổng thu nhập từ trang trại hàng năm sau khi trừ chi phí còn thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ thế mà anh chị đã xây dựng một ngôi nhà khang trang, và mua sắm các phương tiện sinh hoạt gia đình như tủ lạnh, bếp ga, xe máy... và dành dụm được một khoản tiền để đầu tư cho các con học hành.Điều đáng quý ở người nông dân này là không chỉ biết cách làm kinh tế giỏi, anh chị còn sống chan hòa với bà con lối xóm, thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của người nông dân, vì vậy khi bà con trong thôn xóm ai cần về cách làm kinh tế vợ chồng ông đều nhiệt tình giúp đỡ.
Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, mô hình phát triển kinh tế của anh chị được chính quyền địa phương đánh giá là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, nguồn thức ăn dư thừa, sử dụng có hiệu quả thời gian lao động nông nhàn trong gia đình mà còn giải quyết triệt để lượng chất thải lớn từ chăn nuôi lợn, vịt để nuôi cá. mang lại nguồn thu lớn cho gia đình anh chị và không gây ô nhiễm môi trường. Từ những thành công của mô hình kinh tế gia đình anh Lê Chí Dũng và chị Cáp thị Cúc cho thấy công tác khuyến nông với những hoạt động nông nghiệp đã tiên phong, kịp thời và phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân. Đã đưa lại hiệu quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại năng xuất giá trị sản lượng ngày một tăng, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho người dân đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bài & ảnh: Phan Việt Toàn,TTKNKNQT
|