Phát triển nghề phụ lúc nông nhàn
Ngày tạo: 04/12/2013
Lượt xem: 1373
Hải Lăng là địa bàn trọng điểm trồng lúa của tỉnh, trung bình mỗi vụ toàn huyện gieo cấy trên 6.500 ha lúa tuy nhiên, những năm gần đây nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh lúa nên áp lực mùa vụ cũng như công việc của nhà nông nơi đây khá nhàn rỗi. Vì vậy, phát triển nghề phụ để giải quyết thời gian lúc nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được chính quyền và người dân ở đây quan tâm.
Nghề phụ… thu nhập chính
4 sào rau răm nhưng mỗi ngày bà Lê Thị Hoa, thôn 1, xã Hòa Thọ (Hải Lăng) có thu nhập từ 200 – 350 ngàn đồng trong khi làm 1,2 mẫu lúa, trung bình mỗi năm bà Hoa thu hoạch được 6 tấn lúa, trừ một nữa sản lượng lúa làm lương thực cho gia đình và một phần thức ăn chăn nuôi, nữa còn lại đem bán (3 tấn) với giá hiện nay bà thu được khoảng 18 triệu đồng/năm. Tính ra, bà Hoa chỉ cần 2 – 3 tháng trồng rau đã bằng cả năm trồng lúa. Nhờ trồng rau răm, cuộc sống của gia đình bà Hoa ngày càng trở nên khá giả, con cái học hành nên người.
Nếu trước đây, bà Hoa cũng như nhiều người dân ở Hải Lăng chỉ quen trồng lúa và mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều chỉ trông chờ vào hạt lúa thì nay đã có sự khác biệt lớn, người dân ở đây vẫn làm lúa nhưng không còn dựa dẫm hoàn toàn vào hạt lúa như trước. Để có được sự thay đổi này, nhờ người dân áp dụng đồng bộ và rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa, đặc biệt là việc đưa máy móc cơ giới vào đồng ruộng thay cho sức người đã tạo nhiều thuận lợi về thời gian và công sức lao động để nông dân có thể phát triển các nghề phụ, nâng cao thu nhập. Thống kê của ngành nông nghiệp Hải Lăng cho thấy, hiện trên địa bàn huyện Hải Lăng có 162 chiếc máy gặp lúa (trong đó có 123 máy gặt đập liên hợp, 39 máy gặt rãi hàng) hàng trăm máy cày và máy gieo sạ thẳng hàng đã góp phần không nhỏ giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ thời vụ. Nếu ngày trước người nông dân nhọc nhằn một nắng, hai sương; bán lưng cho trời, bán mặt cho đất với bao nỗi lo “Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm; Trông cho chân, cứng đá mềm…”, rồi“công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn” thì nay mỗi năm 2 vụ lúa nhưng thời gian làm mùa của nông dân Hải Lăng chỉ kéo dài khoảng 2 tháng/năm bao gồm trọn gói các công việc từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến phơi phóng. Vì vậy, thời gian nông nhàn, rảnh rỗi cộng với việc nguồn thu nhập từ hạt lúa không cao khiến nông dân Hải Lăng nghĩ ra nhiều cách kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Những chuyển đổi phù hợp
Một trong những hiệu quả rõ rệt của việc chuyển đổi cây trồng ở Hải Lăng đầu tiên phải kể đến việc chuyển đổi những diện tích trồng lúa, màu hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng các loại cây con có giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi từ 44,4 ha lúa kém hiệu quả thành: 35,7 ha sang nuôi trồng lúa - cá; 2 ha trồng sen; 5,8 ha sen - cá và 0,9 ha lợn - cá. Chuyển đổi 28,4 ha từ đất lâm nghiệp và 55,3 ha từ đất trồng màu sang trồng cao su tiểu điền.
Ngoài ra, việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất như: luân canh cây trồng trên cát, các mô hình nông - lâm - ngư kết hợp đã xuất hiện nhiều cây trồng được đánh giá có hiệu quả trên vùng cát như: cây ném ước tính thu nhập bình quân 73 triệu đồng/ha; dưa hấu thu bình quân 50 triệu đồng/ha; mướp đắng ước tính thu được 75 triệu đồng/ha. Thử nghiệm mô hình trồng hoa cúc Đà Lạt và mô hình trồng rau sạch trong nhà có mái che; xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi lợn có quy mô trên 100 con/lứa xuất chuồng; mô hình nuôi cua đồng tại xã Hải Dương; cây keo lưỡi liềm tại HTX Trà Trì (Hải Xuân); chăn nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc tại Trung Đơn (Hải Thành) và Thâm Khê (Hải Khê); mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong bể xi măng tại Hải Chánh, Hải Vĩnh; mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng tại Kim Long (Hải Chánh)... Song song với việc định hướng, chuyển đổi mô hình cây, con phù hợp trong ngành nông nghiệp thì một trong những tác động tích cực làm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán của nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng là khuyến khích họ tham gia vào các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỷ thuật, đào tạo nghề đặc biệt là một số nghề phi nông nghiệp nhằm duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của huyện đồng thời tạo ra những nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo chị Phan Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hải Thọ, một xã đi đầu trong toàn huyện về phong trào đào tạo nghề cho phụ nữ, hiện nay chị em phụ nữ xã Hải Thọ có một nghề phụ phi nông nghiệp khá hiệu quả đó là nghề dịch vụ nấu ăn phục vụ đám đình, lễ hội. Hiện toàn xã có 5 nhà hàng phục vụ lưu động với 30 chị em lập thành từng đội nấu ăn, vào mùa cao điểm có khi huy động lên tới 50 chị em trong xã cùng tham gia. Ngoài việc đồng áng lúc mùa vụ, thời gian còn lại trong năm các chị đi nấu ăn phục vụ đám đình, lễ hội theo nhu cầu cho khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp các chị cải thiện cuộc sống gia đình.
LÂM THANH Báo Quảng Trị
|