CHINH PHỤC VÙNG ĐỒI K4 XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MÔ HÌNH TRANG TRẠI TỔNG HỢP
Ngày tạo: 04/12/2013
Lượt xem: 1390
Về với mô hình trang trại tổng hợp của ông Trần Ngọc Nhơn vùng đồi K4 – xã Hải Phú – huyện Hải Lăng chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí chinh phục vùng đất đồi trở thành một trang trại tổng hợp đưa lại hiệu quả kinh tế cao của người nông dân này. Được gặp trực tiếp ông chủ trang trại là một người nông dân chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó, năm nay tuổi đã lục tuần nhưng đầy sức khẻo, rắn chắc của một người lao động, đam mê với những thành quả mà mình đã đạt được. Được hỏi đến quá trình lên lập nghiệp và có được những thành công như ngày hôm nay ông đã say sưa giải bày chúng tôi mới thấy được sự đam mê làm vườn, chịu khó chinh phục tự nhiên nơi con người của ông.
Ông tâm sự “Năm 2002, thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương về việc phát triển kinh tế trang trại, Hợp tác xã tạo điều kiện về đất đai, cùng với nhiều hộ dân khác trong vùng lên khai phá vùng đồi K4, lập trang trại, phát triển kinh tế. Khi mới lên ở đây chỉ là vùng đất đồi trọc hoang vu, đất toàn sỏi đá, tôi đã khai hoang vùng đất này 12 ha. Với phương án lấy ngắn nuôi dài, bắt đầu năm 2003 bước vào phát triển kinh tế trang trại, tôi trồng cây sắn để cho thu nhập hàng năm, sau đó phát triển dần nhiều đối tượng cây trồng. Làm trang trại một mình buồn, tôi đã mời thêm người em ruột lên chia cho nữa đất cùng làm cho vui, hiện nay trang trại của tôi còn lại quy mô 6,0ha. Cùng lên lập nghiệp ở đây có nhiều hộ dân đã không chịu nổi phải bỏ về giữa chừng, hiện nay trong vùng chỉ còn lại 6 hộ trụ lại cùng làm trang trại. Tuy nhiên có một số hộ hiệu quả trang trạng đưa lại không cao do không biết đầu tư thâm canh, nên hiện nay cũng rất khó khăn”.
Những thành quả đạt được của ông chủ trang trại hiện nay với quy mô các loài cây trồng như sau:
Cam: 1,5 ha, trong đó 1,0 ha đã cho thu hoạch quả ổn định trong 3 năm; 0,5 ha mới trồng đươc 2 năm.
Cao su: 3,0 ha mới được trồng 1 năm tuổi.
Chè: 0,3 ha.
Tre điềm trúc lấy măng: 150 gốc.
Sắn: 1,0 ha trồng xen với cây Cao su (các năm trước nhiều hơn).
Diện tích hồ cá gần 1,0ha đang trong giai đoạn đầu tư hồ.
Khi mới lên lập trang trại ông đã đưa rất nhiều loài cây vào trồng như: Bưởi Diễn, Nhãn, Quýt, Măng cụt, Sầu riêng, Cam, Tre Điềm trúc, Chè, Ổi… rồi lần lượt các loài cây không đưa lại hiệu quả ông phải loại bỏ dần, hiện nay hiệu quả còn lại là cây Cam với 2 giống chính là Cam Vân Du, Cam xã Đoài những giống này ông phải trực tiếp ra tận vùng Tây Hiếu – Nghệ An để đưa về trồng, hiện nay đưa lại nguồn thu cho gia đình 100 – 120 triệu đồng/vụ; cây tre lấy măng, cây chè là 2 loài cây tạo nguồn thu cho gia đình hàng ngày: nguồn măng thu nhập bình quân 100.000đ/gốc/năm, chè bán được 100.000 đồng/ngày; sắn cho gia đình nguồn thu 40 – 50 triệu đồng/năm; ao cá đang giai đoạn đầu tư, nhưng trong năm qua đã đem lại cho ông nguồn thu 15 triệu đồng.
Theo tâm sự của ông Nhơn, thì cái khó thứ nhất của người làm vườn đó là tạo lập được những loài cây đem lại hiệu quả thực sự, vì các loài cây ăn quả có thời gian dài mới cho thu hoạch (3 – 5 năm), nhưng khi thu hoạch thì sản phẩm lại không đạt được chất lượng như giống gốc đành phải chặt bỏ như Quýt thì chua, Bưởi thì đắng, Nhãn không có năng suất, Măng cụt, Sầu riêng không có trái…, vừa tốn kém trong đầu tư, vừa chiếm diện tích đất thời gian dài, bao nhiêu sự tâm huyết, cuối cùng phải chặt bỏ rồi tiếp tục một chu kỳ cho loài cây khác; cái khó thứ hai gặp phải là khi các loài cây ăn quả trồng tập trung tại 1 vùng bắt đầu cho thu hoạch thì các loài sâu, bệnh rất nhiều: các loại nấm gây thối quả, rụng quả, các loài chích hút gây bệnh… ông cho biết Cam của gia đình mỗi năm mất đi trên 20% sản lượng do bị bệnh, quả đến gần thu hoạch bị rụng, thối hàng loạt; Ổi gia đình trồng nhiều nhưng chẳng thu được quả nào vì khi chín bị dòi đục gần như 100%... ông đã nghiên cứu nhiều loại thuốc trị bệnh nhưng chỉ hạn chế được 1 phần nhỏ; Cái khó thứ 3 là sự tâm huyết làm nghề, sự chịu khó, nếu mình không trực tiếp làm, thuê nhân công hoàn toàn thì rất khó đạt được theo mong muốn, chỉ có thuê nhân công thực hiện các khâu đơn giản như làm cỏ, bón phân, còn các khâu tạo tán, tỉa cành, trị bệnh mình phải làm trực tiếp mới đạt kết quả cao, hiện nay nhân công giá cao nếu thuê hoàn toàn thì lợi nhuận thu lại chẳng được là bao. Khi đầu tư trồng các loài cây ăn quả, sau mỗi vụ thu hoạch phải có sự tái đầu tư trở lại cho cây như phân bón, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán thì năm tới mới có năng suất trở lại, còn ta chỉ biết thu mà không có đầu tư thì chỉ thu được 1 – 2 vụ là mất năng suất ngay và chất lượng cũng giảm dần, thực tế này 1 số hộ dân trong vùng đã gặp phải. Ông Nhơn cho biết lợi nhuận của ông thu được tại trang trại ông chỉ hưởng được 1 nữa, còn lại phải tái đầu tư lại cho cây trồng, mỗi năm ông phải mua 26m3 phân chuồng, 35 triệu tiền phân NPK, 25 triệu tiền nhân công để đầu tư lại cho trang trại.
Chúng tôi thấy những trăn trở của ông Nhơn là hoàn toàn đúng, thiết nghĩ Tỉnh cần có 1 đơn vị khảo nghiệm giống và vùng đất để nghiên cứu khảo nghiệm trước các loài cây ăn quả khi muốn du nhập vào địa phương, sau khi cho thu hoạch có hiệu quả về năng suất, chất lượng thì mới đưa về cho người dân, không để người nông dân cứ làm thí nghiệm mãi thì họ không thể giàu lên được, mà sau 1 thời gian họ lại bị nghèo đi. Các nhà khoa học cần quan tâm về với những hộ dân, để giúp nghiên cứu cách trị bệnh, tháo gỡ giúp họ 1 phần khó khăn trong sản xuất. Sự tái đầu tư trở lại cho cây trồng là một sự khẳng định cho những ai trồng cây ăn quả phải hoàn toàn tuân thủ, hiện nay tư tưởng muốn thu vào nhưng không muốn đầu tư trở lại còn rất phổ biến trong cách nghĩ, cách làm của rất nhiều người nông dân mà cần có sự thay đổi nhận thức để thực hiện.
Chúng tôi hỏi dự định phát triển trang trại của ông Nhơn trong tương lai, được ông cho biết: hiện nay ông đang trồng thử nghiệm thêm các loài: Thanh long ruột đỏ, Vải Thiều, Tiêu, Vú sữa ghép, Mít Thái Lan, Cam V2 (do hội làm vườn Tỉnh đầu tư thử nghiệm 30 gốc) nếu thành công sẻ phát triển thêm một số trong các đối tượng cây này; sẻ phát triển hoàn chỉnh 3 ha Cao su, chỉ để lại Cam 1,0 ha có chất lượng tốt, thâm canh cao, giống phù hợp; chè và tre lấy măng phát triển ổn định; hoàn chỉnh hệ thống ao cá với hệ thống cống tràn, cống xã đang được đầu tư dần trong những năm tới vì đòi hỏi nguồn đầu tư cao. Mong muốn nhất của ông hiện nay là được kéo hệ thống điện lưới vào trang trại; được đi tham quan học tập nhiều kinh nghiệm làm vườn của nhiều nông dân giỏi khác để học hỏi về phát triển trang trại của mình.
Được lên chứng kiến những kết quả làm được của ông Trần Ngọc Nhơn, được nghe ông tâm sự, nghe được những trăn trở của ông, những dự định trong tương lai chúng tôi càng khâm phục ý chí, sự đam mê của người nông dân này. Thiết nghĩ, những ai có những ấp ủ, chí hướng như ông Nhơn nên 1 lần ghé lại để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao nhau những niềm tin mạnh mẽ từ đó làm giàu cho chính gia đình mình và xã hội.
Phan Ngọc Đồng – Trung tâm KNKN Quảng Trị
|