THOÁT NGHÈO NHỜ "HẠT VÀNG" TRÊN CÁT
Ngày tạo: 17/07/2013
Lượt xem: 1211
Những ngày này bà con nông dân xã Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Niềm vui được mùa lúa như tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng ven biển quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả giữa cái nắng như thiêu, như đốt của mùa hè.
Từ thử nghiệm…
Một ngày cuối tháng 5 năm có dịp đi qua địa bàn xã Gio Hải chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những vùng đất cát bạc màu trở thành những cánh đồng lúa vàng rực, trĩu hạt đung đưa trong gió nhẹ. Theo người dân ở đây cho biết, từ bao đời nay người dân vùng cát ven biển của Quảng Trị nói chung và xã Gio Hải nói riêng chỉ quen sống với việc đánh bắt thủy sản, trồng các lọai hoa màu như khoai, sắn… chứ chưa bao giờ biết trồng lúa. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây cây lúa đã trở thành cây chủ lực, đem lại năng suất cao, cho thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây lúa.
Theo ông Trần Xuân Phong trưởng thôn 5 xã Gio Hải thì, một vài năm trước chỉ có vài hộ gia đình trồng lúa mang tính chất thử nghiệm, sau một vài vụ cho năng suất cao nên bây giờ hầu hết gia đình nào trong thôn cũng trồng lúa. Người nhiều nhất cũng lên đến vài ha, người ít nhất cũng được vài sào.
Được bà con giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Võ khi đã gần 10h trưa, nhưng anh vẫn chưa về, vì thế chúng tôi phải ra đồng tìm anh. Theo chân một người dân ở đây cùng ra đồng thì anh đang còn lay hoay để chất lúa lên xe kéo về nhà. Vừa đi, anh vừa cho biết, anh là người có diến tích trồng lúa nhiều nhất ở thôn 5. Thu hoạch xong vụ đông xuân này gia đình anh cũng được hơn 3 tấn lúa. Nhờ cây lúa mà cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng.

Niềm vui của người dân khi lúa được mùa
Anh Võ được xem là người đầu tiên ở địa phương đem cây lúa về trồng thử nghiệm trên cát. Anh tâm sự: “Ban đầu mới đem lúa gieo trên cát ai cũng cho rằng tôi bị “hâm” vì họ nghĩ rằng, với vùng đất cát bạc màu, nhiệm phèn, nhiểm mặn nặng như ở Gio Hải, thì chỉ trồng được khoai, sắn chứ làm răng mà trồng được lúa. Mặc rất khó khăn và còn thiếu kinh nghiệm nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Những năm đầu tôi gặp không ít khó khăn, do phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giống lúa không phù hợp. Tuy nhiên, tôi vẫn không nãn chí, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của những địa phương khác, và sau nhiều lần tôi đã rút ra những bài học quan trọng về việc gieo lúa trên cát, đến nay mọi công đoạn tôi đã quá quen thuộc. Đối với vùng đất cát bạc màu như ở Gio Hải thì trồng giống lúa Khang Dân là phù hợp nhất vì ít sâu bệnh, chịu hạn tốt mà năng suất lại rất cao. Ngoài ra, khu vực gần biển thì trồng giống lúa Hương Thơm để chịu mặn; những vùng đất cát ở khu vực xa biển, cao hơn thì trồng giống lúa QT 6... để chịu hạn”.
Từ việc thử nghiệm, giờ đây cây lúa đã trồng được trên cát, lại cho nhiều bông, nhiều hạt, năng suất không thua kém các vùng thâm canh cây lúa, niềm ao ước của người dân vùng ven biển Quảng Trị nói chung, Gio Hải nói riêng đã trở thành hiện thực. Có "hạt vàng”, có tiền, bà con xây dựng nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt gia đình như xe máy, ti-vi, tủ lạnh, quạt gió... đời sống người dân ngày càng no đủ ổn định.
…đến làm giàu
Về Gio Hải những ngày này đi đến đâu cũng thấy rơm rạ chất đầy đường, trên khuôn mặt của người dân ai cũng hiện lên niềm vui phấn khởi và một không khí khẩn trương, hối hả của bà con. Hiện tại toàn xã Gio Hải có 6 thôn thì thôn 5, được xem là “vựa lúa” của xã, có nhà làm đến chục ha.
Ông Trần Xuân Phong, trưởng thôn 5 xã Gio Hải cho biết: "Chưa có khi nào người dân trồng lúa ở vùng cát trắng Gio Hải được mùa như năm nay. Do thời tiết năm nay khá thuận lợi, nên cây lúa phát triển nhanh, được mùa chưa từng có. Vụ này gia đình tôi thu hoạch được gần hai tấn, chỉ để ăn một tấn, số còn lại đem bán lấy tiền đầu tư cho con cái ăn học. Đây là vụ đông xuân mà năng suất cây lúa ở vùng cát trắng này được mùa nhất, năng suất đạt trên 40 tạ/ha. Nếu so với các vùng chuyên sản xuất lúa Như Gio Quang, Gio Mai…, đất đai màu mỡ thì chưa bằng, nhưng đối với vùng đất cát bạc màu, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng như ở Gio Hải thì quả là kỳ tích”.
Giữa cái nóng như thiêu của mùa hè, mặc dù vất vả, nhưng bà con vẫn không giấu được niềm vui khi lúa được mùa. Anh Nguyễn Ninh ở thôn 5, vừa nói vừa nở nụ cười rạng rỡ: “Tôi trồng lúa gần 5 năm nay, nhưng chưa năm nào lúa đất cát lại được mùa như năm nay. Gặt xong một vụ đông xuân năm nay nhà tôi cũng khoảng 3 tấn”. Không giấu được niềm vui của mình Anh Trần Văn Đông, ở thôn 5 khoe: “Nhà tôi mùa này làm hơn 2ha lúa, với giá lúa hiện tại từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí phân bón, cày ruộng... cuối vụ thu lãi cũng được gần 30 triệu đồng, cao gấp hai đến ba lần trồng các loại hoa màu khác. Nhờ “hạt vàng” mà gia đình tôi có cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.
Ông Phong chia sẽ, từ ngày cây lúa trồng được trên cát trắng có hiệu quả cao, nhiều vùng đất bị bỏ hoang được bà con “khôi phục” trồng lúa. Từ khi cây lúa trở thành cây chủ lực trên vùng cát trắng, bà con đã không còn phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy sản, có của ăn, của để, đời sống ngày càng được nâng cao. Việc cây lúa trồng được trên cát vùng ven biển hiện nay thực sự là một mô hình có hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cần nhân rộng và có chính sách khuyến khích người nông dân sản xuất...
Ông Phan Hữu Đông, Chủ tịch Hội nông dân xã Gio Hải cho biết: “Diện tích lúa trồng trên cát hiện nay khoảng 40ha, trong đó thôn 5 chiếm gần 35ha. Từ ngày đem cây lúa về trồng cho năng suất cao đã trở thành cây làm giàu cho bà con, đời sống ngày càng ổn định, trong đó, có hộ giàu lên như gia đình anh Nguyễn Văn Võ, Lê Văn Huy, Trần Văn Đông… “Tuy nhiên, việc bà con trồng lúa vẫn còn mang tính tự phát cao, chưa có sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trông việc hướng dẫn người dân về cách sử dụng các giống lúa, cách bón phân, cách sử dụng thuốc trừ sâu….Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của lúa” – Ông Đông cho biết thêm.
Có thể nói, từ ngày trồng lúa, thu được “hạt vàng” trên cát, cái đói, cái khổ đã không còn, đời sống của bà con đã giảm bớt được những khó khăn, không còn phụ thuộc vào nghề biển như những năm về trước, nhất là khi giáp hạt nhiều gia đình còn thừa cả tấn lúa đem bán, chuyện như cổ tích ở vùng đất chảo lửa Quảng Trị. Đây là một mô hình cần được nhân rông ra các địa bàn khác trong toàn tỉnh.
Hải Đăng- Gio Linh
|