RƯỢU DÂU TÂN PHÚ
Ngày tạo: 09/10/2012
Lượt xem: 1358
Cẩn thận chiết từng giọt rượu dâu đỏ au vào chai, chị Hồ Thị Lan lộ rõ nét mặt phấn khởi sau bao nhiêu ngày chăm ủ cho những bồn rượu. Đứng bên cạnh vợ, anh Trần Văn Quốc hồ hởi cho biết: Trong một chuyến về thăm nhà bạn ở Nghệ An anh đã lấy được giống dâu chuyên dùng để làm rượu vang. Cây dâu dùng để làm rượu vang không giống với dâu mà người ta thường trồng để nuôi tằm. Thay vì ít lá, loại dâu này cho rất nhiều trái, những trái dâu chín màu đỏ thẫm, cuộn xoắn như từng chùm nho nhỏ xíu. Bình quân mỗi héc ta cho thu hoạch trên 1,5 tấn trái chín.
Sau khi trồng được dâu anh bắt đầu học cách chưng, ủ dâu để làm rượu vang. Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên anh từng phải dở khóc dở cười vì những mẻ rượu mình làm ra rượu cũng chả ra rượu, nước ép dâu cũng chả phải nước ép dâu. Nhưng với bản tính kiên trì, luôn tìm tòi sáng tạo, chắt chiu những kinh nghiệm quý báu, sau gần 20 năm “chiến đấu” với nghề, đến năm 2011 anh đã sản xuất ra loại rượu vang mang nhãn hiệu “Rượu dâu Tân Phú”. Anh Quốc cho biết: “Năm đầu tiên gia đình tôi sản xuất được khoảng 1.200 lít, do số lượng đang còn ít nên chủ yếu bán cho khách quen tại địa phương. Với giá 75.000 đồng/lít đã đem lại thu nhập hơn 90 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đã có một khoản lãi ròng là 50 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với những người nông dân như chúng tôi. Năm 2012 này nhờ thời tiết thuận lợi nên cây dâu cho quả nhiều hơn mọi năm, gia đình tôi dự tính sẽ chưng cất thu được trên 1.500 lít rượu dâu”.
Rượu dâu của gia đình anh làm bằng phương pháp thủ công, lên men bằng quả dâu tằm chứ không qua quá trình chế biến bằng hóa học nên sản phẩm làm ra rất sạch và có hương vị đậm đà nên đã thu hút nhiều người tìm đến mua. Nhờ vậy nên rượu ra mẻ nào đều được tiêu thụ hết mẻ đó. Cũng trong năm 2011 rượu dâu của anh đã được Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn rượu vang theo TCVN 7045:2009.
Trao đổi với chúng tôi, anh Quốc cho biết: Cây dâu dùng để làm rượu này rất dễ trồng, phát triển nhanh. Sau khoảng hơn 1 năm là đã bắt đầu cho thu hoạch, thời vụ thu hoạch tập trung trong khoảng 1 tháng. Cây dâu này đặc biệt thích hợp với thời tiết nắng ráo, tuy nhiên khi quả chín nếu gặp trời mưa thì sẽ bị rụng hết, vì vậy vào vụ thu hoạch dâu, để thu hoạch kịp thời, bên cạnh những người trong gia đình tôi còn phải thuê thêm hơn 15 nhân công. Được biết trong năm tới anh tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thêm 1 ha cây dâu để nâng sản lượng lên khoảng 2.000 lít.
Cầm ly rượu dâu đỏ au sóng sánh trên tay, thoang thoảng hương thơm của trái dâu, mời tôi nếm thử xong anh Quốc chia sẽ: các loại rượu vang trên thị trường chủ yếu được chiết xuất từ trái cây tươi, chủ yếu là nho, mận… và có pha thêm mật dâu. Riêng rượu dâu của gia đình anh được ủ lên men hoàn toàn từ trái dâu tươi nên hương vị hết sức đậm đà, nồng nhưng không gắt, đặc biệt là để càng lâu thì uống càng ngon. Vừa qua anh đã đưa nhãn hiệu “Rượu dâu Tân Phú” của mình tham gia Hội chợ tại Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á và được thị trường hết sức ưa chuộng. Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tìm đến gia đình đề nghị ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm nhưng anh chưa dám ký vì chưa đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có thể nói đây là mô hình phát triển kinh tế mới xuất hiện tại địa phương nhưng đã mang lại thu nhập khá cao. Tuy nhiên để mở rộng thêm diện tích trồng dâu và cơ sở sản xuất, gia đình anh Trần Văn Quốc rất mong chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để được vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng như hỗ trợ thêm cho gia đình về kỹ thuật để nâng cao thêm chất lượng sản phẩm. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Quốc bộc bạch: Giá mà các cơ quan chức năng hỗ trợ gia đình tôi đăng ký thương hiệu “Rượu dâu Tân Phú”, có như thế việc sản xuất và kinh doanh của gia đình tôi mới phát triển mạnh và bền vững được.
Linh Thúy
|