ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG NHỜ THỰC HIỆN MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP
Ngày tạo: 09/10/2012
Lượt xem: 1563
Anh Lê Quang Bình sinh năm 1969, sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thôn Văn Vận xã Hải Quy huyện Hải Lăng tỉnh Quảng trị, năm lên 10 tuổi đi chơi cùng bạn bè trong thôn, thấy bom bi do chiến tranh để lại cầm lên nghịch chơi, bom nỗ làm anh bị mất đi bàn tay bên cánh tay trái. Khi lớn lên phải ra làm ăn riêng, năm 1990 được sự đồng ý của chính quyền địa phương ra khai hoang vùng đất cát ở cuối thôn để làm ăn. Là vùng đất cát trắng bạc màu, đất phụ công người sau khi đã khai hoang với diện tích 5,0ha, canh tác nông nghiệp nhưng với đất đai cằn cổi khó khăn nên quá trình làm ăn không thu lại hiệu quả, cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Anh quyết định đi vào Miền nam làm thuê kiếm sống, nhưng do bản thân tật nguyền nên cũng không mấy khá giả lên được.
Năm 2007, anh trở lại quê hương Quảng Trị lên vùng Hướng Hóa trồng sắn và làm cao su cùng người em trai, tích góp được ít vốn anh tiếp tục về lại vùng đất của mình đã khai hoang làm nhà ở, trồng cây lâm nghiệp (trồng Keo), đào ao thả cá. Thấy được sự cần cù siêng năng nơi con người anh Bình, năm 2010 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị thực hiện mô hình Nông lâm Kết Hợp, chính quyền địa phương đã động viên anh tham gia thực hiện mô hình, mô hình đầu tư của Nhà nước sẻ kéo dài trong 3 năm, năm thứ nhất trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, năm thứ 2 nuôi cá, năm thứ 3 đầu tư chăn nuôi. Với sự đầu tư của mô hình anh đã đi vay Ngân hàng 20 triệu đồng để đầu tư thêm. Năm thứ nhất đã thực hiện trồng cây Keo lai, Ổi, Tre Điềm trúc lấy măng, khai hoang mở rộng ao thả cá. Năm thứ hai (năm 2011) chương trình đã đầu tư cho anh 3 sào ao (1.500m2) nuôi cá rô Đầu vuông, cuối vụ đã thu được trên 50 triệu đồng, với nguồn thu từ mô hình anh đã trả hết tiền vay Ngân hàng, tiếp tục đầu tư vào mô hình, xây chuồng trại chăn nuôi lợn với diện tích 30m2, làm chuồng nuôi bò. Năm 2012 chương trình tiếp tục đầu tư cho anh 9 con lợn thịt chăn nuôi, ngoài ra anh đã nuôi thêm 17 con lợn thịt để mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Hiện nay trên mô hình anh Bình đã có 2,0ha cây Keo trồng được 5 năm tuổi, 2,0ha cây Keo trồng năm thứ 2, trên 100 cây Ổi đang sinh trưởng tốt hứa hẹn cho kết quả tốt, cây tre Điềm trúc lấy măng đang chuẩn bị cho thu hoạch măng vào vụ tới, ngoài ra anh trồng xen thêm cây sắn 0,5ha, nuôi bồ câu, nuôi gà, nuôi bò (2 con), trồng trọt thêm các cây nông nghiệp ngắn ngày để cung cấp cho cuộc sống hàng ngày, diện tích hồ cá khai hoang hiện nay gần 2ha, trong đó diện tích sử dụng được nuôi cá là 0,5ha, trên cơ sở mô hình đã đầu tư, tiếp cận được khoa học kỹ thuật trong năm nay anh tiếp tục nuôi cá rô Đầu vuông và nuôi thêm các loài cá khác như cá Rô phi, cá Trắm cỏ (các loài cá đã thu hoạch và thu lãi 7 – 8 triệu đồng).
Về với mô hình anh Lê Quang Bình, chuyện trò với anh mới thấy được sự cần cù siêng năng nơi con người anh, với một vùng cát trắng mênh mông, bạc màu nghèo dinh dưỡng, là người nông dân nghèo vốn làm ăn rất ít ỏi, bản thân lại bị mất đi bàn tay nhưng anh đã không ngừng nỗ lực lao động, mở mang đất đai, trồng cây, nuôi cá, chăn nuôi… bằng chính sức lao động của mình. Hiện nay cuộc sống của anh đã ngày càng ổn định, điều này thấy rỏ nơi khuôn mặt anh khi chúng tôi về kiểm tra mô hình anh thực hiện, anh hồ hởi tiếp đón và phấn chấn trong việc trao đổi phương án làm ăn. Anh chân thành tâm sự: “trước đây khai hoang đất đai nhưng không có phương án làm ăn, nên không thể phát triển được, phải bỏ đi nơi khác. Bắt đầu từ năm 2010, được sự đầu tư của Nhà nước thực hiện mô hình, thường xuyên tiếp cận được những cán bộ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, đặc biệt là sự quan tâm tận tình của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Hải Lăng đã chỉ vẽ cách làm ăn, tiếp cận được khoa học kỹ thuật, thực hiện mô hình thu lại hiệu quả kinh tế nên thấy phấn chấn trong người. Đến nay mô hình đã có đầy đủ đối tượng từ cây trồng đến chăn nuôi và nuôi cá. Tôi sẻ bám đất bám làng để phát triển kinh tế đi lên và tôi cũng muốn thực hiện tốt để những người xung quanh đến học hỏi cách làm ăn của mình, bản thân hiện nay thấy đam mê làm nông nghiệp. Ở vùng tôi xa, chưa có dân sinh sống nên chưa có điện nhưng ban đêm đến chương trình Trang nông nghiệp trên truyền hình tôi phải chạy máy nỗ lên xem để tìm hiểu thêm thông tin đất mình có thể phát triển thêm đối tượng cây trồng vật nuôi gì phù hợp, tìm hiểu thêm khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và cũng mong muốn học hỏi thêm nhiều gương sản xuất khác để noi theo”.
Là những người làm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chúng tôi khâm phục ý chí nơi con người anh Bình. Mong muốn những mô hình mình đầu tư luôn có những con người như vậy.
Phan Ngọc Đồng - TTKNKN
|