LÀM GIÀU NHỜ CHĂN NUÔI VỊT ĐẺ
Ngày tạo: 15/08/2012
Lượt xem: 1305
Đến xã Triệu Đông, hỏi anh Nguyễn Thọ Biền thì ai cũng biết, vậy nhưng gặp được anh lại không dễ, tôi phải đợi gần 1 tiếng đồng hồ bởi anh quá bận rộn với trang trại vịt hơn 1.400 con của mình. Đứng trước khu chuồng trại với hàng nghìn con vịt đẻ và 2 lò ấp trứng quy mô, anh Biền cho chúng tôi biết, cách đây gần chục năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình anh đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ. Nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã mạnh dạn đề xuất với địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang mô hình trang trại để đầu tư nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.
Bằng những kinh nghiệm vốn có và sự giúp đỡ của Trạm Thú y huyện Triệu Phong, gia đình anh đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại đúng tiêu chuẩn, sạch sẽ thoáng mát và tự tay thiết kế lò ấp nở con giống. Tham quan trang trại của gia đình anh Biền chúng tôi thực sự bất ngờ trước quy mô và sự sắp xếp, quy hoạch khéo léo. Trang trại được chia ra nhiều phần, ở giữa là 2 ao rộng vừa để vịt bơi lội tắm táp vừa được tận dụng để nuôi cá, khu chuồng trại được xây trải dài bao quanh tạo sự thoáng mát, lò ấp trứng được xây tách biệt hẳn với khu chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, ý thức vệ sinh phòng dịch chu đáo mà đến nay trang trại rộng hơn 5.000m2 của gia đình anh đã có hơn 1.400 vịt đẻ, nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, anh Biền phấn khởi cho hay, vào vụ trứng, mỗi ngày đàn vịt đều đặn cho hơn 1.000 quả. Sau khi thu, trứng được chuyển vào lò trữ trứng tươi, chỉ 3 ngày là đủ một phiên ấp. Do có uy tín từ lâu nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái tới tận nơi thu mua, nhiều khi khách phải đặt trước mới có hàng, dù mỗi lần ra lò vài nghìn vịt con nhưng cũng không đủ cung ứng cho thị trường. Với giá bán hiện nay từ 3.000 - 5.000 đ/con thì sau khi trừ mọi chi phí mỗi tháng gia đình anh thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, với 2 ao nuôi cá trê lai, mỗi năm sau khi trừ chi phí còn mang lại cho gia đình anh hơn 10 triệu đồng.
Vừa qua gia đình anh được Dự án Sáng kiến cúm gia cầm và Đại dịch hỗ trợ 1 máy xông khử trùng trứng trước khi đưa vào ấp trị giá hơn 10 triệu đồng. Anh rất tâm đắc với cái máy này vì nhờ nó mà tỷ lệ ấp nở của trứng được nâng cao hẳn lên, anh Biền cho hay: Trứng trước khi đưa vào ấp được xông khử trùng bằng foocmon và thuốc tím để diệt vi khuẩn. Nếu trứng không được xông khử trùng thì vi khuẩn lưu giữ trên vỏ trứng sẽ có điều kiện xâm nhập vào trứng gây chết phôi, tỷ lệ trứng bị thối tăng, độc tố lây lan sang trứng khác, lượng Amoniac (NH3), H2S tăng gây ngộ độc cho hàng loạt trứng trong máy ấp.
Nói về những “bí quyết” chăn nuôi thành công của gia đình mình, anh Biền chia sẻ: “Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất trứng cao thì quan trọng nhất là khâu vệ sinh phòng dịch, cần phải có biện pháp tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngoài ra phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt đẻ, cho vịt ăn đầy đủ, thức ăn có chất lượng cao để tăng sức đề kháng cho đàn vịt nuôi. Chuồng trại luôn tháng mát, đồng thời quan tâm tới tỷ lệ vịt đực trong đàn để tỷ lệ đậu trứng cao. Sau mỗi năm nên tiến hành thay thế đàn vịt để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn, việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, để nền nhiệt ổn định theo từng mùa”... Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động mà đến nay gia đình anh đã có thể chủ động đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, không còn vay nợ, lại xây được nhà cửa khang trang, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong xã.
Không chỉ làm giàu hiệu quả, mỗi năm trang trại của gia đình anh cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn vịt giống chất lượng tốt, được người chăn nuôi trong và ngoài địa phương tin cậy. Anh còn giúp đỡ bà con trong địa phương bằng cách bán nợ vịt giống không lấy lãi. Đồng thời luôn chia sẽ và giúp đỡ kinh nghiệm về chăn nuôi cho bà con trong vùng, nhờ vậy mà hiện nay trên địa bàn xã Triệu Đông đã có hàng chục trang trại chăn nuôi vịt theo mô hình nuôi nhốt khép kín như trang trại của gia đình mình.
Ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết: Là địa phương có truyền thống chăn nuôi vịt lâu đời vì điều kiện tự nhiên ở đây rất phù hợp phát triển chăn nuôi vịt, không ít gia đình nhờ chăn nuôi vịt mà thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tổng đàn vịt trong toàn xã là hơn 30.000 con, vào những lúc cao điểm còn đạt hơn 56.000 con. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vịt chủ yếu mang tính tự phát, người chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, chưa ý thức cao trong việc phòng chống dịch bệnh. Phương thức nuôi chủ yếu là chạy đồng và thường tập trung vào vụ lúa chín nhằm tận dụng nguồn thức ăn sau thu hoạch. Đây cũng là nguyên nhân gây rủi ro trong chăn nuôi, bởi vì vịt chạy đồng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt trong những năm gần đây dịch cúm gia cầm thường xuyên xảy ra.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi vịt khép kín này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và an toàn cho người tiêu dùng nhờ giống vịt tốt, dễ nuôi, ít bệnh. Hơn nữa, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm thì việc phát triển mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nuôi, giảm tình trạng nuôi vịt chạy đồng, hạn chế rủi ro, lây lan dịch bệnh, không lệ thuộc mùa vụ. Qua thực tế đã cho thấy, đây là mô hình rất thiết thực, cần nhân rộng nhằm phát triển kinh tế gia đình, tạo sự ổn định trong chăn nuôi, quản lý được dịch bệnh, phát huy tiềm năng sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.
Lê An - TTKNKN
|