NĂM NHUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ THỜI TIẾT ĐỐI VỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Ngày tạo: 31/01/2012
Lượt xem: 1729
Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế sản xuất nông nghiệp trong những năm qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, thì thời tiết những năm nhuận thường diễn biến bất thường và gây ảnh hưởng bất thuận đến sản xuất nông nghiệp.
Năm 2011 đang dần khép lại, Nhìn lại một năm qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn bất thuận về thiên tai và dịch bệnh; Vụ sản xuất Đông Xuân trong điều kiện rét đậm và mưa dầm kéo dài nhiều ngày, đã làm hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, hàng ngàn gia súc bị chết, một số bệnh trên cây trồng - vật nuôi như lùn sọc đen trên lúa, bệnh trên cây cao su, cúm gia cầm, tai xanh trên lợn...phát triển trên diện rộng; thời gian sinh trưởng của cây trồng bị kéo dài, làm chậm thu hoạch sản xuất vụ Đông Xuân và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất Hè Thu, thời gian thu hoạch vụ Hè Thu rơi vào lũ chính vụ, đã làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Tuy nhiên được sự chỉ đạo từ TW đến địa phương, đặc biệt là sự tập trung cao độ của ngành Nông nghiệp và PTNT, sự nỗ lực của bà con nông dân, nên kết quả sản xuất năm 2011 đạt được kha toàn diện trên các lĩnh vực; Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 243.357 tấn, tăng 8,6% so với năm 2010...

Bước sang năm 2012 là năm Nhâm Thìn, âm lịch nhuận 2 tháng 4, dương lịch nhuận tháng 2 (tháng 2 có 29 ngày); Tiết Thanh Minh 4/4/2012 nhằm ngày 14/3 Nhâm Thìn, tiết Cốc vủ 20/4/2012 nhằm ngày 30/3 Nhâm Thìn, tiết Tiểu mãn 20/5/2012 nhằm ngày 30/4 Nhâm Thìn, tiết Lập xuân 4/2/2012 nhằm ngày 13/1 Nhâm Thìn, ngày 1/1 Tết nguyên đán Nhâm Thìn nhằm ngày 23/01/2012. Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế sản xuất nông nghiệp trong những năm qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, thì thời tiết những năm nhuận thường diễn biến bất thường và gây ảnh hưởng bất thuận đến sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê số liệu khí tượng nhiều năm qua (TS Nguyễn Đức Hậu - Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương) ghi lại được như sau:
- Năm Ất Mùi 1955 (nhuận tháng Ba), có mùa đông rét hiếm thấy trong số liệu quan trắc nhiều năm, tại Hà Nội nhiệt độ xuống tới 2,7oC; cơn bão KATE đổ bộ vào Bắc Bộ và đi qua Hà Nội với sức gió đo được tại Láng Hạ (Hà Nội) mạnh tới cấp 12;
- Năm Quý Mão 1963 (nhuận tháng Tư), mưa rất to gây ra lũ cực lớn ở khu vực Thanh Hoá, Nghệ An;
- Năm Mậu Thân 1968 (nhuận tháng Bảy), rét kéo dài ngày chưa từng thấy trong nhiều năm ở miền Bắc, nhiều nơi ở phía bắc Bắc Bộ nhiệt độ xuống dưới 0oC, như: nhiệt độ tại Hà Giang xuống thấp tới -0,6oC, tại Lạng Sơn -1,7oC;
- Năm Tân Hợi 1971 (nhuận tháng Năm), lũ lớn lịch sử trên sông Hồng tại Hà Nội;
- Năm Nhâm Tuất 1982 (nhuận tháng Tư), bão kèm mưa rất to đổ bộ bất ngờ vào Thuận Hải (cũ) ngay trong tháng Ba (trường hợp hiếm có đối với tháng này ở đây); hạn hán nghiêm trọng kéo dài 7 tháng liền ở Trung Bộ và Tây Nguyên;
- Năm Đinh Mão 1987 (nhuận tháng Sáu), miền Bắc có một mùa đông nóng chưa từng thấy kể từ 1899 đến năm này; tại Hà Nội nền nhiệt độ từ tháng 12 đến tháng 3 cao hơn so với mức trung bình nhiều năm tới + 9,7oC.
Còn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị:
- Năm Quý Dậu (1993) nhuận tháng 3 xảy ra khô hạn lịch sử trên địa bàn tỉnh;
- Năm Mậu Dần (1998) nhuận tháng 5: Xảy ra hiện tượng Ennino, gây ra hạn hán lịch sử trên diện rộng trong vụ Hè Thu, làm hàng trăm ha cây trồng bị khô cháy, ao hồ khô nước, giếng nước ở nhiều địa phương bị khô cạn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...
- Năm 2006 (Bính Tuất) nhuận tháng 7: Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thuận, cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu đều bị ảnh hưởng do lủ lụt; Vụ Đông Xuân bị ảnh hưởng trận mưa lụt ngày 17/2/2006 đã làm ngập úng 2.500 ha lúa và 500 ha màu ở một số xã thuộc huyện Hải Lăng; ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy và chăm sóc các loại cây trồng; Vụ Hè Thu bị ảnh hưởng của trận lụt sớm xảy ra vào ngày 12 - 14/8/2006 làm úng, ảnh hưởng trên 500 ha diện tích lúa đang trổ tại huyện Hải Lăng; Cơn bão số 6 xảy ra vào đầu tháng 10, tuy không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, nhưng do bão rất mạnh, kèm theo mưa to đến rất to nên đã gây bão lụt, làm thiệt hại lớn cho sản xuất Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Năm 2009 (Kỷ Sửu) nhuận tháng 5, từ 27/12/2008 đến ngày 07/01/2009, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây ngập úng nội đồng trên diện rộng cả tỉnh đã làm nhiều diện tích lúa Đông Xuân mới gieo và hoa màu ngập úng bị hư hỏng, đồng thời 350 tấn giống lúa đã ngâm ủ bị hư do ruộng bị ngập nước không gieo sạ được; ước thiệt hại trên lĩnh vực cây trồng khoảng trên 25 tỷ đồng. Cuối vụ từ 30/4 - 03/5/2009 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to gây ngập lụt nội đồng và làm cho lúa Đông Xuân bị ngập, hư hỏng: 1.500 ha; Hoa màu bị ngập: 1.000 ha
Từ 19 giờ ngày 27/9/2009 đến 19 giờ ngày 01/10/2009 do ảnh hưởng của bão số 9 và mưa lũ sau bão, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có gió trong đất liền cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và mưa với cường độ lớn gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước (Cao su gãy đổ: 1.485 ha; Hồ tiêu: đổ và tuột dây 241ha; Cà phê gãy đổ: 2.250ha; Lúa mất trắng: 2.650ha...)...
Trong điều kiện thời tiết khí hậu có nhiều diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đã và đang ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Quảng Trị; thiên tai và dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Năm 2012 (năm nhuận), theo kinh nghiệm dân gian và thực tế các năm qua, dự báo là năm có điều kiện khí hậu bất thuận, do đó chúng ta cần hết sức chú ý trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng mùa vụ của ngành nông nghiệp đã ban hành, cơ cấu giống cây trồng đúng chủng loại và bảo đảm phẩm cấp, phù hợp với từng địa phương; tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng áp dụng cơ giới hoá vào các khâu từ làm đất đến thu hoạch và chế biến, đặc biệt ban hành các chính sách kịp thời, sát đúng nhằm giúp đở, kích cầu nông dân tổ chức tốt sản xuất... để luồn lách thời tiết khí hậu bất thuận, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng cao, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai dịch bệnh gây ra./.
Nguyễn Hữu Tâm - Sở NN & PTNT
|