CẢI TẠO ĐẤT NÔNG NGHIỆP BẠC MÀU
Ngày tạo: 22/12/2011
Lượt xem: 6842
Theo kết quả của Trung tâm Nghiên cứu và SXNN bền vững(Trường ĐHNN Hà Nội) cho thấy: Những loại đất xấu, đất bạc màu, đất thoái hoá thường mang những nhược điểm gây hại cho cây trồng như đất bị mất tầng canh tác, nghèo kiệt dinh dưỡng, đặc biệt là nghèo chất hữu cơ, bị khô hạn, chai cứng hoặc bị ngập úng nước, bị chua hoá, mặn hoá... do vậy mà hiệu quả sản xuất thu được không cao.
Quảng Trị tổng diện tích đất tự nhiên: 474.574 ha. Trong đó: 81,5% diện tích là đồi núi, 11% diện tích là đồng bằng, 7,5 % diện tích là vùng cát. Với địa hình bề ngang hẹp, các sông ngắn và dốc khi mưa lớn thường gây ra lũ quét, tình hình xói lở đất đẩy nhanh tốc độ bạc màu thái hóa đất. Vùng ven biển tình hình sa mạc hóa ngày càng gia tăng. Theo kết quả của Trung tâm Nghiên cứu và SXNN bền vững (Trường ĐHNN Hà Nội) cho thấy: Những loại đất xấu, đất bạc màu, đất thoái hoá thường mang những nhược điểm gây hại cho cây trồng như đất bị mất tầng canh tác, nghèo kiệt dinh dưỡng, đặc biệt là nghèo chất hữu cơ, bị khô hạn, chai cứng hoặc bị ngập úng nước, bị chua hoá, mặn hoá... do vậy mà hiệu quả sản xuất thu được không cao.
Để có thể tiếp tục canh tác được trên vùng đất bạc màu đưa lại hiệu quả kinh tế cao bà con cần phải cải tạo đất bạc màu bằng các biện pháp tổng hợp như thuỷ lợi, luân canh cây trồng, thâm canh hợp lý, phân bón... sau đây:
- Thuỷ lợi là biện pháp kỹ thuật quan trọng hàng đầu trong việc cải tạo lại đất bạc màu. Việc tưới tiêu nước chủ động, khoa học bằng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh nhằm cải thiện độ phì đất bạc màu, tăng độ ẩm, cải thiện được các đặc tính lý hoá trong đất, làm cho đất tơi xốp, giúp hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
- Biện pháp hữu cơ bao gồm chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và tăng cường bón lót bằng các nguồn phân chuồng, phân xanh, phân bắc... để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Tuy nhiên khi sử dụng, phân hữu cơ phải được ủ hoai mục để không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại cho cây trồng. Ngoài ra có thể sử dụng các loại chất thải nông nghiệp như rơm, rạ, mùn trấu, rác sinh hoạt, than bùn... để sản xuất phân hữu cơ vi sinh dùng làm chất cải tạo đất rất tốt.
- Đa dạng hoá cây trồng nhằm đạt hiệu quả thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích canh tác đồng thời góp phần cải tạo đất bằng cách trả lại độ màu mỡ lâu dài cho đất bạc màu. Một số công thức trồng trọt có thể áp dụng trên đất bạc màu như:
+ Công thức 2 vụ: gồm 1 vụ lúa và 1 vụ rau màu như ngô khoai, lạc, đậu đỗ xen với rau.
+ Công thức 3 vụ: gồm 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu hè thu và 1 vụ rau đông xuân.
Trên những vùng đất bạc màu bà con nên trồng xen hoặc luân canh cây trồng chính với các loại cây họ đậu như lạc, đậu xanh, .. vì chúng có khả năng cố định đạm, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất.
- Che phủ đất cũng là một biện pháp rất thích hợp đối với những vùng đất bạc màu giúp hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, chống gió rét, hạn chế cỏ dại và giữ ấm cho cây trồng, giúp phân phối đều nước không gây úng thối cho cây trồng, giúp hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tốt sẽ làm cho đất tơi xốp, thoáng khí hơn, giúp cho hệ rễ cây trồng phát triển tốt.
- Biện pháp làm đất: Đặc điểm của đất bạc màu thường là khô, cứng do đó hạn chế xới xáo để tránh mất nước do bốc hơi, nhất là vào thời kỳ khô hạn. Chỉ nên kết hợp xới xáo khi làm cỏ, bón phân, tưới nước. Nếu trồng lúa trên đất bạc màu thì không nên xếp ải dễ làm đất mất thêm nước, hệ vi sinh vật còn sót lại trong đất sẽ bị chết, đất càng trở nên chai cứng hơn; trồng màu thì lên luống cao kết hợp tưới nước theo rãnh là biện pháp tối ưu.
Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị ngoài các biện pháp nêu trên, việc trồng cây Lạc dại có tên khoa học Arachis pintoi để chống thái hóa bạc màu đất và sa mạc hóa sẽ mang lại hiệu quả cao. Lạc dại là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Lạc dại có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, trồng vào mùa mưa. Lạc dại là cây đa tác dụng: có thể trồng thuần dạng đồng cỏ hoặc xen với các loại cỏ khác để vừa nhằm bảo vệ, cải tạo đất trống đồi núi trọc rất tốt (có khả năng cố định đạm từ 200-300kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh có thể cung cấp cho đất mỗi năm 595kg N/ha, 140kg P2O5/ha và 200kg K2O/ha), vừa làm phân xanh hay làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, cá với khối lượng bình quân 150 tấn chất xanh/ha/năm (vì trong thân, lá có hàm lượng đạm rất cao, từ 2,5-3%N) hoặc trồng xen che phủ ở các vườn cây ăn quả, trồng che phủ thành các băng chống xói mòn trên vùng đất dốc cho các loại cây ngắn ngày (ngô, đậu). Lạc dại luôn luôn xanh tốt, ra hoa màu vàng quanh năm nên có thể trồng làm thảm trang trí ở các công viên, đường phố, công sở vừa có tác dụng tạo cảnh quan đẹp, vừa để bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt.
Cách trồng giống lạc dại LD99 theo KS. Nguyễn Doãn Dũng khuyến cáo:
- Chuẩn bị hom giống: Cắt sát gốc khi cây đang ở giai đoạn bánh tẻ, lá bắt đầu chuyển sang màu hơi vàng, cao 30-40cm.
- Chuẩn bị đất trồng: Phát, xới sạch cỏ dại đem tủ vào gốc cây ăn quả, dùng cuốc xẻ rãnh sâu 20-25cm, hàng cách nhau 25-30cm. Với những nơi đất dốc nên trồng theo đường đồng mức hoặc theo từng băng rộng, hẹp tùy địa hình để có tác dụng chống xói mòn cho đất. Trồng cách gốc cây ăn quả khoảng 50-100cm.
- Trồng theo lối áp tường, mỗi cụm gồm 2-3 hom cành cách nhau 10-15cm. Lấp đất kỹ, dện chặt cho nhanh bén rễ. Nếu có điều kiện thì tưới nhẹ vừa đủ ẩm.
- Chăm sóc: Sau trồng 25-30 ngày cây lạc bắt đầu bén rễ, nẩy chồi, lúc này nên nhổ cỏ cho lạc dại bằng tay để tránh bật gốc, chết cây. Với những nơi trồng thuần thành đồng cỏ thì sau khoảng 3-4 tháng có thể cắt cây để làm giống nhân rộng ra hoặc làm phân xanh, làm thức ăn cho gia súc. Cắt xong, làm cỏ, xới đất cho tơi xốp và tưới đủ ẩm cho cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển cho các lứa cắt tiếp theo.
Hoàng Chiến Thắng - CCPCLB
|