TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Ngày tạo: 22/12/2011
Lượt xem: 3360
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường duy nhất đúng, đồng thời là điểm khởi đầu cần thiết để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là phải công nghiệp hóa đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó là định hướng chiến lược phát triển cách mạng nước ta.
Trong bài "Con đường phía trước" với bút danh C.K đăng trên báo Nhân Dân, số 2134, ngày 20-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta...Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường ...Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà"(1)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường duy nhất đúng, đồng thời là điểm khởi đầu cần thiết để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là phải công nghiệp hóa đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó là định hướng chiến lược phát triển cách mạng nước ta.
Trong bài viết cho tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số 2-1960), nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa" (2) Từ đó, "Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài" (3)
Trong bài nói tại Đại hội Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ 6, ngày 19-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vai trò nền tảng, tầm quan trọng lớn của nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đất nước: "Nước ta là một nước nông nghiệp...Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung, phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra" (4)
Về mối quan hệ qua lại giữa công nghiệp và nông nghiệp, Người nhấn mạnh: "Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh".(5) Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta với 80% dân số là nông dân, vấn đề mấu chốt là phải giải quyết tốt vấn đề lương thực, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân để làm nền tảng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngay từ Đại hội III (9-1960), Đảng ta đã quyết tâm: "Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại" (6)
Tại Đại hội VI (12-1986), Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, chủ trương đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó, chương trình lương thực-thực phẩm là quan trọng nhất nhằm trước hết đảm bảo lương thực đủ ăn cho xã hội và có dự trử một phần.
Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết 10 Về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp. Đây là một trong những vấn đề có tính đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta. Nghị quyết 10 đã mở đầu sự phát triển ngoạn mục nông nghiệp, nông thôn nước ta thời kỳ đổi mới.
Đại hội VII của Đảng (6-1991), trong phương hướng đẩy tới một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã chủ trương phát triển một nền nông nghiệp toàn diện.
Đại hội VIII của Đảng (6-1996), Hội nghị Trung ương 9 (khóa VIII) đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó, coi trọng phát triển lương thực.
Nghị quyết số 6-NQ-Tư, ngày 10-11-1998, của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, đã chỉ rõ: "Coi trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp (bao gồm lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp) và xây dưng nông thôn, đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, là cơ sở để ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội...,đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa." (8)
Đại hội IX của Đảng (4-2001) đã bổ sung, hoàn thiện một bước chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, Đại hội X của Đảng (4-2006) đã nêu rõ: "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao". (9)
Nghị quyết BCHTU Đảng lần thứ 7, số 26-NQ-Tư, ngày 5-8-2008, "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng... Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". (10)
Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.(11)
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, và sau hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn: kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới đã thay đổi rõ rệt.
(1)(2)(3)(4)(5)(7) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 10 - tr 40-41, 13, 13, 180, 14-15, 544-545.
(6) Văn kiện Đại III của Đảng- NXB ST -1960 -T 1 - tr 52-65-67.
(8) NQ của Bộ Chính trị Về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn - NXB CTQG - H - 1998 - tr 7 - 8.
(9) Văn kiện Đại hội X của Đảng - NXB CTQG - H - 2006 -tr 190-191.
(10) Báo Nhân Dân, số ra ngày 17-8-2008.
(11) Văn kiện Đại hội XI của Đảng - NXB CTQG - H - 2011 - tr 38 -39.
Nguyễn Xuyến
|