VƯƠN LÊN LÀM GIÀU NHỜ BIẾT CHẮT CHIU TỪNG CÁI NHỎ
Ngày tạo: 06/12/2011
Lượt xem: 1892
Nhờ cần cù, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình pả Liên đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. ông đã xây dựng nhà cửa vững chắc, mua sắm khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt phục vụ đời sống gia đình.
Bây giờ ngồi đếm lại, ông Hồ Văn Dơ (Pả Liên) ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông không còn nhớ mình đã bán tất thảy bao nhiêu con bò, con trâu để xây dựng nên cơ nghiệp ngày hôm nay. Nhưng Pả Liên nhớ như in đàn trâu bò nhiều con lắm của mình bắt đầu chỉ từ một con nghé, tiền công nuôi rẽ trâu cho người khác trong ròng rã 2 năm trời mới có được.
Pả Liên kể: Ngày trước, nhà mình nghèo lắm, nhà cửa rách nát tạm bợ, gia đình có 6 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính mặc dù vẫn chăm chỉ lao động nhưng không biết làm gì cho đủ cái ăn, cái mặc. Mấy đám lúa rẫy trồng mùa sau mất hơn mùa trước. Cuộc sống đói nghèo cứ luẩn quẩn không thoát ra được. Lúc đó có người kêu cho tôi nuôi rẽ trâu. Tôi chăm chỉ chăn trâu trong suốt 2 năm và người ta trả cho tôi tiền công là một con nghé. Lần đầu tiên tôi có tài sản riêng của mình để sản xuất, tôi mừng lắm nên chăm sóc con nghé rất tốt để hôm nay từ đó tôi xây dựng được cơ nghiệp cho gia đình mình
Pả Liên có được một con nghé không chỉ đơn thuần là có được một tài sản nhỏ mà nó đã khơi dậy trong ý thức người đàn ông Vân Kiều này một cách nghĩ, cách làm ăn khác trước. Niềm vui trong làm chủ sản xuất đã giúp thêm nghị lực vươn lên thoát nghèo của pả Liên. Có nghé, ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, áp dụng nghiêm túc các hướng dẫn của cán bộ nên chỉ sau vài năm ông đã có một đàn trâu. Ngoài chăn nuôi trâu bò, được sự hỗ trợ cho vay vốn của Ngân hàng chính sách huyện và dự án Phần Lan ông đầu tư chăn nuôi lợn. Lúc đầu, pả Liên nuôi lợn ở quy mô nhỏ, một vài con lợn thịt, sau đó mới mở rộng quy mô chăn nuôi cả lợn thịt và lợn nái. Vì theo ông, ban đầu nuôi ít nếu có gặp rủi ro thì chỉ mất ít thôi, sau đó có vốn tích luỹ cơ bản rồi thì mới mở rộng. Pả Liên mở rộng chăn nuôi lợn nái nhằm có nguồn giống khoẻ mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết để nuôi lợn thịt ít bị dịch bệnh. Pả Liên còn học người Kinh nấu rượu để lấy phụ phẩm nuôi lợn, vừa có thu nhập hàng ngày từ bán rượu, vừa nuôi lợn chóng lớn. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình pả Liên xuất chuồng gần 2 tấn lợn hơi, trừ các khoản chi phí cho thu nhập gần 15 triệu đồng. Tiền lãi thu được từ nuôi lợn, pả Liên đầu tư mua thêm bò để nuôi. Khi đàn trâu bò sinh sôi nảy nở nhiều thì không như quan niệm của người Vân Kiều, trâu bò là tài sản để dành, pả Liên suy nghĩ có tài sản trâu bò là có thể thoát nghèo, pả Liên quyết định bán trâu bò để có vốn đầu tư khai hoang ruộng nước, đất trồng màu và đất trồng rừng. Chỉ sau một thời gian chăm chỉ sản xuất, nhà pả Liên đã khai hoang được 0,5 ha ruộng, 1 ha đất màu và 10 ha đất rừng. Đến nay, chỉ riêng trồng trọt, hàng năm, gia đình ông đã thu hoạch được 4 tấn lúa, 2 tấn ngô, 3 tấn lạc để phục vụ nhu cầu trong gia đình, bán cho bà con trong thôn và phục vụ nhu cầu chăn nuôi. 10 ha rừng tràm của pả Liên đến nay cũng đã gần 5 tuổi. Đàn trâu bò sau nhiều lần bán để tái đầu tư hiện cũng còn 18 con. Ngoài ra, gia đình ông còn đào ao nuôi cá với diện tích 500 m2 kết hợp với chăn nuôi gà, vịt để phục vụ cho gia đình và bán cho bà con trong vùng.
Có được vốn tích luỹ từ sản xuất nông nghiệp, pả Liên quay sang đầu tư làm dịch vụ. ở địa bàn vùng núi cách trở đi lại khó khăn, pả Liên chọn mua xe ô tô vận tải nhỏ để phục vụ thu mua nông sản cho nông dân trong vùng và làm dịch vụ vận tải hàng hoá cho bà con là một hướng đầu tư đúng đắn. Chỉ sau hơn 1 năm mua xe vận tải, pả Liên đã thu được một nguồn lợi khá khá từ dịch vụ này. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, tổng thu lãi của gia đình pả Liên lên đến gần 100 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với một hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều vừa mới thoát ra khỏi diện hộ nghèo.
ý thức tích tiểu thành đại đã giúp gia đình pả Liên thoát nghèo bền vững. ý thức này không chỉ đúng với gia đình pả Liên mà với tất cả mọi người. Chỉ có cách chăm chỉ làm ăn, tích cóp từ thu nhập nhỏ mới có thu nhập lớn để thoát khỏi đói nghèo vươn lên làm giàu
Nhờ cần cù, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình pả Liên đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. ông đã xây dựng nhà cửa vững chắc, mua sắm khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt phục vụ đời sống gia đình. Các con ông cũng được học hành đàng hoàng. Hiện con trai đầu của ông đang học ngành điện Trường cao đẳng nghề ở Nha trang, 2 cháu nhỏ đang học cấp III và cấp II ở huyện.
Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, pả Liên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con trong bản, hiện gia đình ông đang giúp 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn mượn con giống, cây giống để sản xuất bởi ông cho rằng: Mình là người may mắn hơn nhiều người, mình có cái ăn thì phải chia sẻ cho bà con, mình biết làm ăn cũng phải chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ đồng bào mình cùng thoát nghèo.
Trần Cát Linh Báo Quảng Trị
|