NGƯỜI NÔNG DÂN NĂNG ĐỘNG LÀM KINH TẾ
Ngày tạo: 06/12/2011
Lượt xem: 1440
Với niềm đam mê trồng và chăm sóc hoa từ thuở nhỏ, qua đọc sách báo và nhận thấy nhu cầu sử dụng hoa của người dân ngày càng lớn trong khi phải nhập hoa từ các tỉnh khác.
Trẻ tuổi nhưng năng động, táo bạo trong làm kinh tế và nhiệt tình trong mọi hoạt động của địa phương là lời nhận xét của nhiều hội viên, nông dân thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh dành cho chi hội phó nông dân Trần Ngọc Nhân.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ đau ốm triền miên lại đông anh em, anh phải nghỉ học từ lúc 15 tuổi. Không nông nổi như bao trai làng cùng lứa tuổi, anh suy nghĩ không được học đến nơi đến chốn nên phải tập trung phát triển kinh tế nhưng nếu chỉ dựa vào cây lúa, hoa màu và chăn nuôi nhỏ lẽ khó mà giàu lên được. Cũng đúng lúc anh đang tìm hướng đi riêng cho mình, Nhà nước có chủ trương cho dân vay vốn làm ăn, xóa đói giảm nghèo. Cái khó ló cái khôn, anh mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng đầu tư mua máy làm dịch vụ nông nghiệp khi ở xã chưa ai dám làm. Đầu tiên anh mua máy tuốt lúa, máy xẻ gỗ di động phục vụ bà con trong thôn, xã lân cận thu hoạch lúa và xây dựng nhà cửa, nhờ đó thu nhập anh đã có đồng ra đồng vào.

Năm 2000, xã Gio Châu có chủ trương mở rộng diện tích khai hoang vùng ruộng Bàu. Với ít lợi nhuận từ máy tuốt lúa và máy xẻ gỗ, anh táo bạo vay thêm vốn đầu tư mua 2 máy cày để phục vụ làm đất, kịp thời khai hoang cho bà con gieo sạ đúng thời vụ, nhờ vậy đã giải phóng được sức lao động cho gia đình, bà con trong thôn, xã và tăng năng suất các loại cây trồng, trừ chi phí anh thu lãi trên 50 triệu đồng/năm từ các loại máy dịch vụ.
Với niềm đam mê trồng và chăm sóc hoa từ thuở nhỏ, qua đọc sách báo và nhận thấy nhu cầu sử dụng hoa của người dân ngày càng lớn trong khi phải nhập hoa từ các tỉnh khác. Năm 2006, anh một mình lăn lội ra Hà Nội quyết tâm học nghề trồng hoa ở Viện nghiên cứu rau quả TW. Được chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan, học hỏi mô hình ở các tỉnh bạn, anh quyết định quay vòng vốn đầu tư vào trồng hoa. Từ lý thuyết đến thực hành không hề đơn giản nhưng anh đã thành công thí điểm nhân giống hoa cúc và trồng hoa hồng, đồng tiền được thị trường chấp nhận. Năm 2007, nhu cầu thị trường mở rộng, gia đình anh không chỉ trồng các loại hoa bán vào dịp lễ, hội mà còn là nhà vườn đầu tiên ở tỉnh cung cấp các loại cúc giống quanh năm cho các hộ trồng hoa trong toàn tỉnh, đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Vẫn chưa thỏa mãn với kết quả đạt được, anh mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm hoa ly nguồn giống từ Hà Lan và anh cũng đã thành công trồng loài hoa quý này.
Qua 2 năm thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm anh đã làm chủ được quy trình sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư hệ thống 3 nhà lưới, áp dụng khoa học kỹ thuật và chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng, số lượng cúc giống, các loại hoa được tăng dần, đơn đặt hàng của anh ngày mỗi nhiều. Năm 2010, anh cung cấp thị trường trên 74 vạn cúc giống các loại (gia đình trực tiếp giâm hom và lấy thêm ở Viện nghiên cứu rau quả TW) và trồng 1.000 chậu hoa ly, 300 chậu hoa đồng tiền và hoa hồng, 1.000 chậu hoa cúc, 2.500 cây hoa cúc nhổ gốc cắt cành, đưa lại thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trồng hoa đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao nhưng anh vẫn duy trì các dịch vụ cưa xẻ gỗ, làm đất cho bà con trong và ngoài xã. Ngoài ra anh còn làm 3 mẫu lúa, mỗi vụ thu hoạch từ 6 7 tấn và trồng, chăm sóc gần 2 ha cao su gần đến ngày thu hoạch. Từ dịch vụ nông nghiệp cùng với trồng hoa, ruộng vườn mỗi năm anh thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi và giải quyết việc làm thời vụ cho 10 lao động ở địa phương, bình quân trên 100.000 ngàn đồng/ngày.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là chi hội phó nông dân năng động, nhiệt tình. Anh động viên hội viên tham gia sinh hoạt Hội và các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các ngày lễ hội của thôn, xã. Anh thường xuyên, thăm hỏi động viên, tạo điều kiện hỗ trợ cho các gia đình hộ nghèo, hộ khó khăn trên 50 triệu đồng dịch vụ nông nghiệp không lãi để bà con có điều kiện tái sản xuất. Ngoài ra anh hướng dẫn giúp đỡ cho 4 hộ trong thôn tham gia trồng hoa, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Trong thời gian tới, anh dự định nhân giống thêm nhiều loài hoa khác phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mở rộng thêm diện tích nhà lưới, trồng trên 1.500 chậu hoa cúc, 2.000 cây hoa cúc nhổ gốc cắt cành, 1.000 chậu hoa ly và trên 80 vạn cúc giống các loại cung cấp cho thị trường và giải quyết việc làm cho thêm nhiều lao động ở địa phương.
Bài & ảnh: Minh Hằng - Hội Nông dân tỉnh
|