CẦN PHÁT HUY SỨC MẠNH CỘNG ĐỒNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày tạo: 06/12/2011
Lượt xem: 1582
Xây dựng nông thôn mới là một Chương trình phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều chính sách và hoạt động có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực nông thôn và đời sống của người dân.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt và được thực hiện chủ yếu theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng.
Từ trước đến nay, khu vực nông thôn luôn được xem là nơi mà tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, diện tích đất nông nghiệp giảm do quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Hệ thống giáo dục, y tế chưa được đầu tư đúng mức. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ phê duyệt hy vọng sẽ tạo một sức bật mới cho nông thôn cả nước nói chung và Quảng trị nói riêng.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Theo đó, các xã nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với mục tiêu đến năm 2015: 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới và đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). Trên cơ sở đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra: đến năm 2015 tỉnh Quảng Trị có 20% số xã (23 - 24 xã) đạt chuẩn Nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã (58 - 59 xã) đạt chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).
Để đạt được mục tiêu đề ra thì rất cần có các thể chế, chính sách phù hợp và điều quan trọng là phải Khơi dậy được tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân để xây dựng nông thôn mới:
1. Rất cần thể chế, chính sách phù hợp để thực hiện Chương trình
Xây dựng nông thôn mới là một Chương trình phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều chính sách và hoạt động có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực nông thôn và đời sống của người dân. Do đó, phải xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động; trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới ở toàn bộ 117 xã của tỉnh để triển khai lập Quy hoạch, Lập Đề án xây dựng nông thôn mới ở từng xã nhằm xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 và từng năm.
Các xã cũng cần lựa chọn các tiêu chí để ưu tiên thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thành sớm các tiêu chí có điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 ước khoảng 17.550 tỷ đồng (bình quân mỗi xã 150 tỷ đồng). Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã; Hỗ trợ một phần cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; phát triển sản xuất và dịch vụ; nhà văn hóa thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thuỷ sản. Tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu để thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án trên địa bàn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã), vốn đầu tư của doanh nghiệp, các khoản đóng góp tự nguyện, các khoản viện trợ không hoàn lại, các nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai Chương trình. Trong đó đề nghị tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ chi phí) để lại cho ngân sách xã, thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.
2. Cần khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Người dân nông thôn đóng vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn ổn định và phát triển bền vững. Ngoài phần đầu tư của Trung ương và địa phương, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp xã được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng là chính. Do vậy, việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân là hết sức cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện đề án. Theo đó, người dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng chỉnh trang nhà ở, tham gia đầu tư các công trình công ích như giao thông, thuỷ lợi, tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, môi trường...
Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, huy động sức đóng góp của dân để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Những bài học kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh quần chúng ở các địa phương vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng là các ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ mục tiêu chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân nông thôn. Từ đó, từng người dân sẽ phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực tham gia thực hiện chương trình thông qua việc quyết định các vấn đề quan trọng như công tác quy hoạch, xây dựng danh mục công trình, kể cả việc góp vốn đầu tư./.
Hoàng Đức Dưỡng - Chi cục Phát triển nông thôn
|