HIỆU QUẢ LỚP NGHỀ NUÔI GIUN QUẾ KẾT HỢP CHĂN NUÔI GÀ
Ngày tạo: 19/11/2020
Lượt xem: 61
Để giúp nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi gà, đặc biệt là bổ sung nguồn chất đạm cần thiết cho đàn gà nhanh lớn. Năm 2020, Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã triển khai 2 lớp đào tạo nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà tại xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa và xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong. Qua hơn 2 tháng triển khai mô hình đã đưa lại kết quả rất khả quan.
Trong quá trình triển khai trường Trung cấp nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội phụ nữ, Hội nông dân các xã tuyển sinh 55 học viên là nông dân đang trong độ tuổi lao động có nhu cầu tham gia lớp nghề nuôi giun quế kết hợp với nuôi gà. Giảng viên là những người có kỹ năng giảng dạy cho người lớn tuổi và có chuyên môn vững, nhiều năm trong đào tạo nghề. Phần giảng dạy bao gồm cả lý thuyết và thực hành, xây dựng mô hình thực nghiệm.
Với phương châm" Bắt tay chỉ việc", thực hành là chủ yếu, nhà trường đã xây dựng 4 mô hình, với 300 con giống gà ri lai 1 ngày tuổi, và 100kg giống giun quế. Quá trình học được triển khai theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của gà. Các học viên tham gia học được thực hành cách úm gà con, phòng từng loại vaccin, làm chuồng trại, phối trộn thức ăn cho gà; cách xây dựng hố và nuôi giun quế; cách chăm sóc nuôi dưỡng gà thả vườn. Đặc biệt là trong quá trình nuôi các giáo viên đã hướng dẫn học viên luôn hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng những bài thuốc nam, nước tỏi lên men, nước trái cây lên men, thức ăn sẳn có ở địa phương để nuôi gà, làm giảm chi phí, tăng sức đề kháng cho gà, đồng thời tạo ra được sản phẩm an toàn. Quá trình học đều đan xen giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho người dân nắm vững bài, giải quyết một số vướng mắc trong chăn nuôi gà mà lâu nay họ gặp phải.

Lớp học tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong
Qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện, thông qua mô hình tất cả học viên đều nhận thấy và khẳng định rằng: nếu nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật kết hợp với thức ăn giàu đạm từ giun quế thì gà có tỷ lệ sống cao, ít bị bệnh, tăng trọng nhanh, rút ngắn được thời gian nuôi, tăng chu kỳ sản xuất. Kết quả tại mô hình thực hành, giun quế sinh trưởng và phát triển tốt, đạt 200 kg sinh khối; Đối với gà trọng lượng bình quân từ 1,4 -1,7 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 95%.
Tiếp xúc với chúng tôi chị Nguyễn Thị Thúy thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong một học viên tham gia lớp học cho biết cho biết: tham gia học là cơ hội tốt cho bản thân chị và những người dân khác có điều kiện trao đổi những kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi gà. Trong quá trình giảng dạy giảng viên luôn có liên hệ với những khó khăn gặp phải trong chăn nuôi nông hộ hiện nay và đưa ra giải pháp khắc phục, nên đã giúp chị và những nông dân khác tiếp thu kỹ thuật một cách dề dàng. “Sau khi được học tôi đã tự tin áp dụng ngay vào điều kiện chăn nuôi của gia đình mình, kết quả đàn gà tôi nuôi nhanh lớn, chất lượng thịt ngon. Tính ra mỗi con gà đến khi xuất bán lãi 20-30 nghìn đồng. Nếu con giống cung ứng tại chổ, thức ăn tận dụng thì lãi sẽ được nhiều hơn nữa”, chị Thúy cho hay.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Túy, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết: Trước đây hầu hết bà con trên địa xã chăn nuôi gà hầu như không áp dụng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả và chất lượng đàn gà kém phát triển. Lớp nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà được triển khai trên địa bàn xã có ý nghĩa quan trọng, đây là những điểm trình diễn phương thức chăn nuôi mới có đầu tư. Qua đây các hộ dân đã học hỏi được rất nhiều điều “ Đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Từ thành công của mô hình UBND xã sẽ tuyên truyền vận động bà con quanh vùng đến tham quan, học hỏi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình này, nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế” ông Túy nói.
Mặc dù thời gian đào tạo không dài, nhưng với sự nỗ lực của giảng viên và sự cố gắng của học viên, đặc biệt sự quan tâm của các địa phương để triển khai lớp học đã, nên đã mang lại những kết quả nhất định, tạo nền tảng trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi gà của người dân địa phương. Sau khi tham gia học nông dân sẽ tự tin áp dụng vào hoạt động chăn nuôi gà của gia đình mình, đồng thời là mô hình điển hình để các hộ quanh vùng học tập và làm theo. Từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bài & ảnh: Phan Việt Toàn
|