NUÔI GÀ THẢ VƯỜN - MÔ HÌNH SINH KẾ ỔN ĐỊNH
Ngày tạo: 21/10/2020
Lượt xem: 101
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chuyễn đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Thời gian gần đây nhiều hộ nông dân ở xã Cam Chính huyện, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.
Đến tham quan trang trại chăn nuôi gà thả vườn của gia đình anh Vũ Văn Bắc (sinh năm 1983) và chị Trương Thị Thanh Tâm (sinh năm 1984) thôn Thiết Xá, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, chúng tôi thấy khâm phục với ý chí vươn lên làm giàu một cách chính đáng của đôi vợ chồng trẻ với mô hình chăn nuôi gà thả vườn.
Quen biết nhau trong quá trình làm công nhân ở Sài Gòn, sau khi lập gia đình vợ chồng anh Bắc bàn bạc, suy tính, quyết định trở về quê sinh sống để khởi nghiệp, xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài. Trong suy nghĩ vợ chồng anh Bắc và chị Tâm luôn trăn trở phải làm sao để xây dựng được một hoạt động sinh kế ổn định cho gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của địa phương, đầu năm 2013 anh chị đã viết đơn xin Uỷ ban nhân dân xã Cam Chính cấp 0,7 ha đất vùng đồi để thành lập trang trại chăn nuôi. Với quyết tâm đó vợ chồng anh chị đã động viên nhau sử dụng số tiền tích góp được thực hiện xây dựng trang trại. Để phát triển được thương hiệu gà Cùa với quy mô lớn như ngày hôm nay cũng không hề đơn giản. Trên mãnh đất đó, vợ chồng anh chị đã thử nghiệm chăn nuôi nhiều con giống như gà, ngan, vịt trời, bò, nuôi cá và trồng trọt các loại nông sản để so sánh hiệu quả kinh tế mang lại. Sau hai năm thực hiện mô hình, anh chị dần chuyển sang và tập trung đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn với số lượng lớn. Trải qua bao nhiêu khó khăn, giờ đây anh chị đã xây dựng cho mình một trang trại gà quy mô lớn, góp phần mang thương hiệu gà Cùa của địa phương vươn xa trên thị trường.

Anh Bắc đang chăm sóc đàn gà
Nhớ lại những năm tháng khi mới thành lập trang trại, hoạt động chăn nuôi khá mới mẽ nên để thành công là điều không hề đơn giản. Anh Bắc tâm sự, lúc mới đầu tư xây dựng mô hình, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh. Nhờ sự chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, tìm hiểu kiến thức qua các phương tiên truyên thông, đài, báo, internet... Ngoài ra, anh đã chủ động liên hệ nhờ sự tư vấn giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ trạm Khuyến nông huyện, anh chị luôn tham gia tích cực các lớp tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt mở tại địa phương, qua thời gian đã giúp anh tích lũy đúc rút kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Vợ anh Bắc chị Tâm cho biết, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là mình phải nắm vững quy trình kỹ thuật. Phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh. “Để hạ giá thành trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi giảm việc sử dung thức ăn công nghiệp, mà tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương phối hợp khẩu phần thức ăn phù hợp cho gà theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau. Dùng men và tỏi tự ủ thay cho thuốc thú y nên đã mang lại hiệu quả một cách toàn diện, giảm tỉ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà tăng trưởng nhanh và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”, chị Tâm nói.
Đến nay hoạt động chăn nuôi gà của gia đình anh chị, đã tạo nên hoạt động sinh kế ổn định và có nguồn thu nhập đáng kể hàng năm. Anh chị nuôi gà theo hình thức gối đàn, mỗi lứa từ 1000 đến 1200 con, mỗi năm 3 đến 4 lứa. Thường khi gà đạt kích cở 1,6 kg đối với gà trống và 1,4 kg đối với gà mái sẽ xuất chuồng, tuy thời gian nuôi có dài hơn bên ngoài (4 tháng/lứa nuôi) nhưng gà bán ra giá cao hơn bên ngoài 10.000/1kg. Sau mỗi lứa nuôi mang lại lợi nhuận cho gia đình anh từ 25 đến 30 triệu đồng. Anh Bắc và chị Tâm dự định với nguồn lãi thu được, trong năm tới anh chị sẽ đầu tư phát triển thêm các dãy chuồng trại nuôi mới và phát triển mạnh gà mái đẻ, ấp nỡ, cung cấp nguồn giống cho gia đình và trên địa bàn. Anh Bắc cũng sẵn sàng hướng dẫn và chia sẽ kinh nghiệm chăn nuôi của mình cho những người dân trong vùng muốn chuyển hướng sang nuôi gà để phát triển thương hiệu gà Cùa, những ai khi cần có thể liên hệ anh qua số diện thoại 0943152557.
Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của xã và đây cũng là cơ hội để phát triển thương hiệu đặc sản gà Cùa. Hiệu quả của các mô hình như mô hình chăn nuôi gà trên vùng đất Cùa, cho thấy đây là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế, gia tăng các hoạt động sinh kế tạo thu nhập ổn định, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Bài & ảnh: PHAN VIỆT TOÀN
|