CẢI TẠO VƯỜN TẠP TRỒNG CÂY ĂN QUẢ CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO
Ngày tạo: 07/09/2020
Lượt xem: 144
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có trên 6.000ha cây ăn quả các loại, trong đó, các loại cây ăn quả đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Cam, Bưởi da xanh, Thanh long ruột đỏ, Chanh leo, bơ… được chú trọng triển khai thực hiện với diện tích ngày càng tăng. Với phương châm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, các địa phương đã nghiên cứu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Nhiều mô hình đã khẳng định được tính phù hợp về khả năng sinh trưởng phát triển, giá trị kinh tế, sự thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương và xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Trị, qua đó tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh đó, những mô hình này đã tạo ra những điểm đến “lý tưởng” để nghiên cứu, học tập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Các mô hình thành công có thể kể đến như: Dự án liên kết sản xuất Chanh leo xuất khẩu; Mô hình bưởi da xanh, Thanh long ruột đỏ VietGAP; Mô hình canh tác cam hữu cơ, an toàn thực phẩm… trong đó, mô hình ghép cải tạo bơ 034 trên nền bơ địa phương và mô hình thử nghiệm trồng sầu riêng trên đất đồi là một nét mới, mang lại những tín hiệu tích cực cho người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn.
Đối với cây bơ, đã được người dân phát triển trong vườn nhà từ nhiều năm trước đây, sau đó mở rộng hiện nay toàn tỉnh hiện có khoảng 250ha bơ, phân bố rải rác ở các địa phương, trong đó tập trung nhiều ở huyện Hướng Hóa, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ với nhiều loại giống bơ khác nhau, chủ yếu là giống Bơ sáp địa phương, một số ít diện tích trồng Bơ Booth, Bơ Trịnh Mười… Hầu hết các giống đều cho chất lượng ngon, tuy nhiên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao do chưa đầu tư thâm canh, đặc biệt là chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc, tưới nước trong mùa khô hạn; Bên cạnh đó, một số giống bơ mới như Bơ Booth, Bơ Trịnh Mười... sinh trưởng và phát triển chưa ổn định, tỉ lệ đậu quả không cao qua các năm.

Vườn bơ 034 ghép cải tạo năm thứ 4
Năm 2015, Giống bơ 034 được Công ty TNHH cây giống Bảo Nguyên (trụ sở tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) phối hợp với phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh đưa vào ghép cải tạo thử nghiệm trên 100 gốc bơ địa phương tại thôn Nam Cường - xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam) - huyện Vĩnh Linh (hộ anh Tạ Đức Tiến). Qua theo dõi cho thấy cây ghép giống bơ 034 có khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt kể cả trong điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt mùa hè của tỉnh. Cây bơ ra hoa từ tháng 2-3 hàng năm, ra hai đợt hoa trong một kỳ nở hoa, khả năng sinh trưởng nổi trội là vừa ra hoa vừa phát đọt phân tán, kể cả mùa hè. Từ khi phân hóa mầm hoa cho đến khi thu hoạch từ 4-5 tháng, đặc biệt do đặc điểm khí hậu Quảng Trị nên thời gian thu hoạch quả bơ lệch vụ và chậm hơn các tỉnh phía nam khoảng 02 tháng (mùa thu hoạch bơ 034 ở Quảng Trị là tháng 7-8 hàng năm nên tránh được rủi ro do mưa bão gây rụng quả), đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh (ngày thương binh liệt sỷ 27/7, lễ hội hành hương tại Nhà thờ Đức mẹ La Vang...) nên lượng tiêu thụ lớn và giá bán cao.
Anh Tạ Đức Tiến, người đầu tiên thực hiện ghép cải tạo bơ 034 trên địa bàn Vĩnh Linh chia sẻ “Năm 2014, gia đình tôi tiến hành ghép cải tạo giống bơ 034 trên nền bơ sáp địa phương, đến nay có thể khẳng định tính phù hợp về sinh trưởng, phát triển và cho hiệu qủa kinh tế cao hơn so với giống bơ khác trên địa bàn. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mỡ rộng diện tích trồng bơ trên diện tích đất của gia đình”.
Đến nay vườn bơ 034 thử nghiệm trên địa bàn xã Trung Nam đã cho thu hoạch được 2 năm (2019, 2020), mẫu mã quả bắt mắt, trọng lượng từ 0,3- 0,8 kg/quả, có quả lên đến 1kg, năng suất trung bình 50-60 kg quả/cây, hình dáng quả thon dài, chiều dài quả trung bình 20- 30 cm. Khi bơ chín da có màu xanh bóng, phần cơm vàng, hạt rất nhỏ, tỉ lệ thịt bơ chiếm tới 75- 80%. Đặc biệt thịt bơ có mùi thơm, vị ngọt, béo đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng. Với giá bán tại vườn dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi cây bơ 034 của vụ đầu thu về ít nhất 2,5-3 triệu đồng/cây.
“Bơ 034 trồng trên đất Quảng Trị cho quả to, đều, thịt chắc, thơm và béo hơn so với bơ 034 trồng ở nơi khác”. Anh Lê Sỷ Huế, Giám đốc Cty Giống Bảo Nguyên - người đưa giống bơ 034 về ghép cải tạo và cung ứng giống cây ăn quả trên địa bàn khẳng định.
Thấy được tính phù hợp và hiệu quả của giống Bơ 034 trên địa bàn, năm 2018, 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện mô hình trồng mới 0,5 ha Bơ 034 và phối hợp với Công ty cây giống Bảo Nguyên ghép cải tạo cho bà con nông dân trên địa bàn huyện được gần 10ha. Đến nay hầu hết các vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2020, theo sự đề xuất của các hộ nông dân, huyện Vĩnh Linh tiếp tục hỗ trợ triển khai trồng mới thêm 3,2 ha Bơ 034 tại các xã Trung Nam, Kim Thạch, Hiền Thành từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển cây con chủ lực theo Quyết định 23 của UBND tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra nhiều tổ chức, hộ nông dân các địa phương khác (Hải Lăng, Hướng Hóa, Gio Linh...) đã tìm mua giống Bơ 034 về trồng (nhiều vườn đã cho thu hoạch như Hộ anh Tiến xã Vĩnh Nam, anh Phùng Thế Kỷ- xã Vĩnh Giang, chị Tạ Thị Khánh xã Vĩnh Trung….). Đến nay diện tích trồng Bơ 034 trên toàn tỉnh hơn 30 ha (Lâm trường Triệu Hải trồng tập trung 14 ha tại vùng đồi K4- xã Hải Phú, cây sinh trưởng phát triển tốt, đã cho quả bói).
Đối với cây Sầu riêng, là cây trồng rất mới trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã được trồng từ những năm 2010-2012 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ do những người dân tự phát mua giống về trồng trong vườn nhà, sau gần 10 năm, đã cho ra quả 3-4 năm, qua đánh giá cho thấy sầu riêng trồng trên đất đồi Quảng Trị chất lượng tốt và năng suất khá cao (như hộ Ông Tạo - thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy trồng 40 cây, các cây sầu riêng trên 7 năm tuổi thu trung bình 20 quả/cây x 3kg/quả = 60 kg/cây, với giá bán 80.000-100.000đ/kg, thu nhập khoảng 4,8-6 triệu đồng/cây; Hộ ông Tạo xã Cam Thành có 5 cây 10 năm tuổi đã cho quả ổn định, chất lượng tốt, giá bán 80.000 đ/kg...).
Ông Nguyễn Hưng Tạo, xã Vĩnh Thủy hào hứng chia sẻ “Không ai nghĩ đất Quảng Trị có thể trồng được Sầu riêng nhưng qua thử nghiệm tôi thấy Sầu riêng trồng ở đất Quảng Trị cho chất lượng ngon hơn so với Sầu riêng trồng ở Miền Nam, với giá bán 100 ngàn/kg tại vườn tôi không có mà bán”
Nhận thấy tính phù hợp và những hiệu quả ban đầu từ việc trồng cây Sầu riêng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh phối hợp với cán bộ kỹ thuật Công ty cây giống Bảo Nguyên tiến hành theo dõi, điều tra, khảo sát nhằm xác định tính phù hợp của các giống Sầu riêng đã trồng trên địa bàn, đồng thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ có vườn Sầu riêng để đạt được tỉ lệ đậu quả cao, chất lượng tốt. Kết quả đã xác định được 02 giống Sầu riêng phù hợp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là Sầu riêng Monthong (thái Lan) và Ri6.
Từ những kết quả ban đầu, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương đang đưa Cây sầu riêng Thái Lan vào trồng, diện tích đến nay ước đạt 2 ha, nhiều vườn đã trồng được 3 năm, cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh (tại xã Trung Nam, nhiều vườn cây năm thứ 3, dự kiến sau 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch).Với tiềm năng, lợi thế về quỹ đất, điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn tỉnh phù hợp, cùng với các chính sách hỗ trợ sẵn có (Nghị quyết 03/2017/NQ-HDND về cây con chủ lực; Nghị quyết 02/2019/NQ-HDND về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi...) để phát triển cây Bơ và cây sầu riêng trên địa bàn. Thời gian tới, đề nghị các địa phương rà soát, quy hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi từ các cây trồng có hiệu quả thấp, đặc biệt đất trồng rừng kinh tế hiệu quả thấp phát triển các vùng cây ăn quả tập trung, trong đó có bơ và sầu riêng; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, quan tâm khâu chọn giống phù hợp đặc biệt áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản sạch mang thương hiệu Quảng Trị, thực hiện và nhân rộng Chương trình mục tiêu “Mỗi làng mỗi sản phẩm” hiệu quả và bền vững.
Nguyễn Ngọc Thạch - Chi cục Trồng trọt và BVTV
|