TRỒNG DƯA HẤU TRÊN ĐẤT LÚA - MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI CẦN NHÂN RỘNG TRONG VỤ HÈ THU
Ngày tạo: 13/07/2020
Lượt xem: 161
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp toàn cầu, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa đá, hạn hán, lũ lụt, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của Ngành trồng trọt
Những đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng BĐKH. Hạn hán làm giảm 20 - 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăn nuôi và sinh hoạt của người dân… Hạn hán kéo dài dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung Bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc trung du, miền núi, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với phát triển bền vững.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, những năm qua, khô hạn đã làm giảm diện tích canh tác lúa trung bình từ 2.000-3.000 ha/năm, tập trung chủ yếu trong vụ Hè Thu. Trong bối cảnh đó, để hạn chế những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu đến kinh tế nông nghiệp, Ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp đồng bộ, phù hợp nhằm thích ứng với Biến đổi khí hậu. Ngoài việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất Ngành đã có những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu. Cụ thể như: đã nghiên cứu chuyển dịch lịch thời vụ sớm hơn; tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình chuyển đổi… các giải pháp đó đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trồng trọt bền vững theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Việc hình thành các mô hình chuyển đổi đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó có mô hình chuyển đổi trồng Dưa hấu trên đất Lúa vụ Hè Thu là minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả, phù hợp, tạo ra những hiệu ứng tích cực cho người sản xuất trên địa bàn.
Về vùng đất tiếp giáp giữa múi đường tránh và Quốc lộ 1 thuộc xã Gio Phong giữa cái nóng hừng hực tháng 6 nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự đổi thay trên đồng ruộng so với 2 năm trước đây. Không còn là những mảnh ruộng khô nứt nẻ bỏ hoang toàn lúa chét, có nơi lúa Hè Thu lơ thơ điểm xanh điểm trắng do thiếu nước và những ánh mắt ngán ngẫm của nông dân khi thăm đồng, thay vào đó là những luống Dưa hấu được lên líp cẩn thận, gọn gàng, những dây Dưa bò ngang, bò dọc xanh mơn mởn trên ruộng cùng với vẻ mặt tươi vui, tiếng cười, nói rôm rả của những người nông dân khi được hỏi về tình hình sản xuất của mình.

Chuyển đổi trồng Dưa hấu trên đất lúa thiếu nước tại huyện Gio Linh
Anh Lam, một người dân làm dưa vui vẻ chia sẻ: “Vùng này hơn 22ha trồng lúa, 2 năm về trước sản xuất Vụ Hè thu không ăn thua, thậm chí mất trắng do khô hạn. Từ năm ngoái đến nay, người dân ở đây đã chuyển sang trồng Dưa hấu cho hiệu quả cao hơn nhiều”.
Khi được hỏi về sự hiệu quả giữa 2 hình thức sản xuất lúa và dưa hấu, Anh Lam chia sẻ: “Vụ Hè thu ở đây thường làm Giống Xuân Mai, năng suất 1 sào khoảng 1,7tạ, với giá bán 6.000đồng/kg, thu nhập được 1,02 triệu đồng, trừ chi phí lãi 0,5 triệu đồng; Còn trồng Dưa 1 sào được ít nhất 4 tạ, giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, thu nhập 3,2 - 4 triệu đồng, trừ chi phí lãi 2,7 - 3,5 triệu đồng. Nhưng làm dưa khỏe hơn nhiều, như: tốn ít công hơn, không sử dụng thuốc BVTV nên ít độc hại, khi dưa chín có thương lái vô tận ruộng cân, mua, trả tiền”.
Qua tìm hiểu, sau khi thu hoạch lúa Vụ Đông Xuân người dân ở đây đã tận dụng đất còn ẩm tiến hành cày, làm đất, vét rảnh, lên luống, gieo hạt rồi chăm sóc, bắt dây, vùi đốt, bấm đọt tạo cành cho từng dây Dưa, trong suốt quá trình trồng chỉ sử dụng 1-2 lần phân bón qua lá. Sau hơn 2 tháng, cây Dưa cho thu hoạch với kết quả hết sức khả quan. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nên một số gia đình làm hiệu quả chưa cao. Người dân rất cần sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn trong việc chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, thâm canh Dưa đạt năng suất và chất lượng cao, đặc biệt là hạn chế tình trạng chính không tập trung.
Thực tế cho thấy, các giải pháp của ngành nông nghiệp đã và đang được triển khai khá hiệu quả và có tính đồng bộ. Tuy nhiên, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, các địa phương cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ canh tác, đổi mới phương thức sản xuất, sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu như đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông hộ và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh công tác quy hoạch, mời gọi, xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi, từng bước hình thành và chuyển đổi các vùng sản xuất Lúa hiệu quả thấp sang canh tác các loại nông sản có giá trị kinh tế cao hơn.
Nguyễn Ngọc Thạch - Chi cục Trồng trọt và BVTV
|