NGÀNH NÔNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ 74 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày tạo: 06/12/2019
Lượt xem: 215
Cách đây 74 năm, sau khi nước nhà giành độc lập, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: “Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao” và ngay ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền Nông, Lâm nghiệp nước nhà, tiền thân của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay.
Trải qua 74 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển cùng ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong cả nước, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương và góp phần thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
Nhìn lại chặng đường 74 năm xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, trãi qua nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, lại thường xuyên đối mặt với những khó khăn thách thức do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, vượt khó, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà luôn đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch đúng hướng, một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu như cao su, cà phê, hồ tiêu, gạo hữu cơ, gỗ rừng nguyên liệu, tôm sú,... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp từng bước được tăng cường. Công tác quản lý bảo vệ rừng phát triển rộng khắp, diện tích rừng được nâng lên góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh tế thuỷ sản phát triển mạnh và bền vững, phát huy được lợi thế vùng ven biển. Đời sống cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Phong trào thi đua sản xuất giỏi đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT- XH của tỉnh nhà, tạo thế và lực mới để tiến hành thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Việc kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách đã giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều chuyển biến tích cực: Sản lượng lương thực có hạt liên tục tăng qua các năm, từ 11,27 vạn tấn năm 1989 lên 28,36 vạn tấn vào năm 2019, cao hơn chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI là 3,36 vạn tấn; từ chỗ chỉ chú trọng đến việc tăng năng suất, sản lượng đến nay tỉnh đã phát triển được các loại nông sản có tiềm năng, lợi thế có giá trị kinh tế cao đã được đầu tư phát triển thành vùng sản xuất tập trung như mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ liên kết với Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị (195,6 ha) khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, thương hiệu gạo Quảng Trị vươn ra tầm tiêu thụ trên thế giới; một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Tiêu Cùa, tinh bột sắn Hướng Hóa, cà phê Khe Sanh, gạo chất lượng cao Quảng Trị, tiêu Quảng Trị, ném Hải Lăng, chuối Hướng Hóa... chăn nuôi có bước chuyển biến tích cực từ nhỏ lẻ, phân tán sang trang trại, gia trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường, tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng từ 20,4% năm 2010 lên 30,8% vào năm 2019.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt chuyển mạnh từ sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển lâm nghiệp bền vững, hình thành các vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đến nay toàn tỉnh có 23.429 ha rừng có chứng chỉ FSC, tăng 144% so với năm 2015, là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; bình quân hàng năm trồng 5.000- 5.500 ha rừng tập trung, trên 2- 2,5 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt 800.000 - 900.000m3 đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ và phục vụ xuất khẩu, những kết quả đó, góp phần đưa độ che phủ từ 19% (năm 1989) lên 50% vào năm 2019. Lĩnh vực thuỷ sản phát triển đúng hướng, từng bước trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh, năng lực khai thác thuỷ sản ngày càng được tăng cường, đội tàu xa bờ phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tăng hiệu quả đánh bắt, đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần giữ gìn biển đảo quê hương,... đưa tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản từ 5.000 tấn (1989) lên 35.197 tấn vào năm 2019. Công tác Thủy lợi trong thời gian qua đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hơn 500 công trình thủy lợi; các tuyến kênh tưới, tiêu; hệ thống đê điều và các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và ứng cứu trong mùa lụt bão; Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới trên 85% diện tích gieo cấy cho 02 vụ trên địa bàn toàn tỉnh với 51.062 ha. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng; bước đầu đã huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các nguồn lực của nhân dân, từng bước gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch nông thôn mới, gắn xây dựng nông thôn mới với cơ cấu lại nông nghiệp, đến nay, đã có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 44,4% số xã của tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế. Công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được tiến hành thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện tiếp tục được đổi mới, kịp thời hướng dẫn những tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp đã hỗ trợ lẫn nhau phát triển. Ngành nghề truyền thống được khôi phục, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn,... việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng chuyên canh ngày càng phát triển; thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất, từ nhỏ lẻ sang hình thành các vùng sản xuất lớn, có liên kết, áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ; Đã định hình một nền sản xuất nông nghiệp mới, biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển. Những kết quả trên, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, từng bước thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành trong 74 năm qua, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp bình quân trên 3%/năm; Sản lượng lương thực cây có hạt ổn định 26 vạn tấn; Diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo ATTP, có chứng nhận, có liên kết đạt 10.000 ha; Tập trung phát triển, canh tác Hồ tiêu theo quy trình chỉ dẩn địa lý hồ tiêu Quảng Trị, đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm đạt 500 ha; Phát triển cà phê hữu cơ, sinh thái, có chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng cao đạt 1.000 ha. Đưa tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt từ 45.000 - 47.000 tấn, đến năm 2025, cơ bản chuyển sang sản xuất hàng hóa, chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; Tổng sản lượng thủy sản đạt 40.000 tấn, hình thành cơ sở sản xuất tôm giống đạt chất lượng, cung ứng đủ cho người dân; Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC và duy trì độ che phủ rừng ổn định 50%. Triển khai lập Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Bến Hải, sông Thạch Hãn đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gắn với công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu đưa tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 97,5%; 75% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên trong thời gian đến toàn Ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp; Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; Đẩy mạnh việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; Tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết và xây dựng thương hiệu.
- Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, tạo bước chuyển biến sâu sắc, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh nông thôn.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất gắn liền với phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu:
Tiếp tục đầu tư đồng bộ để nâng cao giá trị sản phẩm các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.Tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến tận hộ nông dân. Chú trọng bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Đẩy mạnh việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng trong đánh bắt và nuôi trồng, đặc biệt trong sản xuất giống. Đầu tư và mở rộng các khu neo đậu trú tránh bão kết hợp khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, đảm bảo nhu cầu cung cấp nước cho thâm canh cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản; nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp, phục vụ đời sống dân cư... Từng bước đầu tư, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết và hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống của nhân dân.
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách kịp thời, đồng bộ để thúc đẩy sản xuất phát triển, ưu tiên khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới sẽ rất nặng nề, nhưng Tôi tin tưởng rằng với tinh thần phát huy truyền thống của ngành Nông nghiệp và PTNT trong 74 năm qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND Tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đề ra. Ngành Nông nghiệp và PTNT mong muốn tiếp tục nhận được sự cổ vũ, giúp đỡ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Sở qua các thời kỳ, các thế hệ công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành; các sở, ban ngành, cấp uỷ, lãnh đạo địa phương để toàn Ngành phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT, thay mặt lãnh đạo Sở kính chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh; cùng toàn thể công chức, viên chức và người lao động đã, đang công tác trong ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Hồ Xuân Hòe
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị
|