LỢI ÍCH CỦA VIỆC BÓN PHÂN CHUỒNG CHO CÂY TRỒNG
Ngày tạo: 28/08/2019
Lượt xem: 424
Sử dụng phân chuồng cho cây trồng không phải là một việc làm xa lạ mà từ lâu phân chuồng là một nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong khuôn khổ bài viết này, vai trò của phân chuồng, cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả sẽ được giới thiệu để người sản xuất có cơ sở để sử dụng hợp lý.
Phân chuồng chính là hỗn hợp phân do gia súc thải ra với nước giải, chất độn chuồng và thức ăn thừa của gia súc.
Và phân chuồng là một bộ phận của phân hữu cơ khi vùi vào đất sau khi phân giải có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây và quan trọng hơn nữa là phân hữu cơ có khả năng cải tạo đất lớn.
Vậy vai trò của phân hữu cơ nói chung và phân chuồng nói riêng cụ thể như sau:
Thứ nhất, cải tạo hóa tính đất: Phân hữu cơ khi bón vào đất sẽ cung cấp thêm các chất khoáng làm phong phú thêm nguồn thức ăn cho cây. Theo Giáo trình Phân bón và cách bón phân của PGS Vũ Đức Yêm, trong quá trình phân giải chất hưu cơ có thể tăng khả năng hòa tan của các chất khó tan. Việc hình thành các phức hữu cơ – vô cơ cũng có thể làm giảm khả năng di động của một số nguyên tố khoáng từ đó hạn chế được sự rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất. Các chất hữu cơ sau khi được mùn hóa sẽ làm tăng khả năng trao đổi chất của đất.
Thứ hai, cải tạo lý tính đất tức là khi bón phân hữu cơ sẽ giúp cho ổn định được kết cấu của đất từ đó hạn chế được việc đất bị xói mòn. Phân hữu cơ khi mùn hóa sẽ làm tăng tính kết dính giữa các hạt đất. Hoạt động của các vi sinh vật mạnh lên rất nhanh khi vùi phân xanh non, dễ phân giải nhiều đạm hòa tan. Sau khi vùi vào đất, phân chuồng bị mùn hóa một phần, chính vì bón phân chuồng với khối lượng lớn sẽ giúp cho ổn định được kết cấu đất. Phân hữu cơ có ảnh hưởng đến tuần hoàn nước trong đất và cụ thể ở đây là khi sử dụng phân chuồng hoai mục thì nước ngấm vào đất thuận lợi hơn, khả năng giữ nước của đất cao hơn, việc bốc hơi nước bề măt đất ít đi nhờ vậy tiết kiệm được nước tưới. Điều này đã được minh chứng trong thời gian nắng hạn vừa qua, những vườn hồ tiêu có bón đầy đủ phân chuồng hoai mục trước đó thì ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn hơn so với những vườn khác. Cần nhấn mạnh một lần nữa vai trò giữ ẩm cho đất của phân hữu cơ hay phân chuồng.
Đặc biệt hơn, chất mùn có màu thẫm làm tăng khả năng hút nhiệt của đất khiến cho mùa đông đất ấm hơn (PGS Vũ Đức Yêm).
Thứ ba, tác động đến hệ vi sinh vật trong đất: Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho vi sinh vật nên khi bón phân hữu cơ vào đất, hiện nay trong các loại phân chuồng được bổ sung thêm các chế phẩm sinh học cùng với hệ sinh vật có lợi như Tricoderma, Pseudomonas… cùng với tập đoàn vi sinh vật trong đất các phát triển nhanh. Từ đó, một số hoạt tính sinh học được hình thành lại tác động đến việc tăng trưởng và trao đổi chất của cây.
Với vai trò chung nhất của phân hữu cơ, chúng ta cần tìm hiểu thêm thành phần dinh dưỡng của phân chuồng để có thể nhìn nhận chính xác hơn vai trò tác dụng của phân chuồng.Thành phần phụ thuộc vào loại gia súc, sức khỏe của gia súc và chất độn chuồng cùng phương pháp bảo quản. Trong phân chuồng có đầy đủ các thành phân dinh dưỡng cơ bản như: Nước, Chất hữu cơ, Đạm, Lân, Kali, Canxi … và các nguyên tố vi lượng khác như Mn, Bo, Cu, Zn... Trong đó, phân lợn được đánh giá là các hàm lượng dinh dưỡng cao nhất do thức ăn của lợn đa dạng, thường được nấu chín hoặc ủ chua nên phân tương đối mịn. Phân trâu, bò, ngựa dê đều là động vật nhai lại, trong đó phân trâu có tỷ lệ nước cao nhất. Thành phần của chất độn hay còn gọi là nguyên liệu kết hợp với phân chuồng bao gồm rơm rạ, than bùn, lá cây, mùn cưa, thân lá lạc…, chất độn này càng hút nước thì phân càng đỡ mất chất dinh dưỡng, trong quá tình bảo quản ít bị mất đạm, đống phân tơi xốp nên phân phân giải nhanh hơn cho nên tác dụng quan trọng của chất độn chính là vừa tăng khối lượng và đảm bảo cho sự rửa trôi đạm trong phân. Như vậy trong phân chuồng có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng nhưng tỷ lệ các chất không cao, hiệu quả của phân chuồng khá chậm nhưng tác dụng bền. Việc chỉ sử dụng riêng lẻ phân chuồng để bón cho cây trồng không thể đáp ứng được đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng là có thật. Nhưng không bón phân chuồng cho cây cho đất thì coi như một sự thiếu hụt rất lớn cho sinh trưởng của cây trồng. Theo PGS Vũ Đức Yêm, phân chuồng bón vào đất tiếp tục phân giải CO2 vào bầu khí quyển sát mặt đất có lợi cho quang hợp của cây thân bò và thân thấp. Phân chuồng còn đưa vào đất một số hoocmon có tác dụng kích thích sự phát triển của rễ và các quá trinh sống của cây.
Có rất nhiều cách để ủ phân chuồng mang lại hiệu quả sử dụng. Trong đó, cách ủ phân chuồng với chế phẩm Tricoderma được hướng dẫn thực hiện dễ dàng như sau:
Phân chuồng tươi 1 tấn
Chế phẩm Tricoderma Bima: 2-4 kg (Càng nhiều chế phẩm thì phân chuồng càng nhanh hoai mục).
Phân chuồng được rãi đều trên nền đất chặt với chiều cao khoảng 20cm, chúng ta tưới đều một lớp chế phẩm Bima (chế phẩm Bima được trộn đều vào nước, lượng nước đủ để tưới ẩm cho đống phân tùy theo độ khô hay ướt của phân chuồng), tiếp tục rãi phân chuồng lên chiều cao lớp khoảng 20cm, lại tiếp tục tưới một lớp chế phẩm. Cứ thực hiện như vậy cho đến khi đống phân cao khoảng 1,2-1,5m thì tiến hành lấy bạt che kín. Lưu ý nên tạo các rãnh nhỏ quanh đống phân để tránh trường hợp bị đọng nước.
Sau khi ủ khoảng 15-20 ngày, tiến hành đảo đều đống phân, đảm bảo nhiệt độ trong đống phân khoảng 60-700C (điều này rất quan trọng có tính chất quyết định việc ủ phân có thành công hay không), sau đó tiếp tục ủ bạt kín như ban đầu. Sau khoảng 30-35 ngày sau khi đảo đều có thể kiểm tra độ hoai mục và đem đi sử dụng.

Nông dân HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy ủ phân chuồng để bón cho cây ăn quả.
Muốn sử dụng phân chuồng mang lại hiệu quả cao, bà con cần thực hiện như sau:
-Tốt nhất nên bón phân chuồng khi đã hoai mục, tránh trường hợp phân bón chưa hoai sẽ mang theo các mầm mống hạt cỏ hay sâu bệnh vào đất.
- Hiệu lực của phân chuồng phụ thuộc vào chất lượng phân, lượng bón cũng như điều kiện khí hậu, đất đai. Ví dụ ở đất sét phân chuồng phân giải chậm nên hiệu lực tồn tại kéo dài đến 6-7 năm, hiệu lực về mặt cải tạo đất nhiều hơn hiệu lực về mặt dinh dưỡng.
- Phân chuồng có tác dụng như một ngôi nhà giữ cho phân hóa học không bị rửa trôi còn phân hóa học thúc đẩy sự phân giải của phân chuồng.
- Bón phân chuồng phải vùi ngay vì thành phần đạm trong phân rất dễ bay hơi. Vùng đất khô cằn cần vùi phân chuồng sâu hơn so với vùng ẩm.
- Cần có sự cân đối dinh dưỡng khi sử dụng các loại phân bón cho cây trồng.
Biết rằng khi sử dụng phân chuồng bà con nông dân sẽ gặp phải một số vấn đề như vận chuyển cồng kềnh, lượng bón lớn, phải có thao tác ủ phân trước khi bón mới mang lại hiệu quả nhưng để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, đặc biệt trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều không theo quy luật thì việc sử dụng phân chuồng hoai mục được xem như một giải pháp tối ưu nhất. Nền nông nghiệp hữu cơ đang được ứng dụng nhưng cần có khoảng thời gian nhất định mới có thể đánh giá được hiệu quả ứng dụng cũng như tính lan rộng của nó. Trong khoảng thời gian này, sản xuất nông nghiệp phải chú trọng đến phân chuồng hoai mục kết hợp bổ sung các loại phân bón cân đối hợp lý là rất cần thiết để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng của nông sản.
Lê Thị Hiền Lương - Trạm TTBVTV Vĩnh Linh
|