LỢI ÍCH KÉP TỪ MÔ HÌNH NUÔI XEN GHÉP CÁ DÌA, TÔM, CUA
Ngày tạo: 28/08/2019
Lượt xem: 314
Hình thức nuôi thủy sản kết hợp cá dìa, tôm thẻ và cua trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho người dân, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế, vừa tác động rất tích cực đến môi trường ao nuôi. Với hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; môi trường nuôi thuận lợi nên đã hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh; tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm; giúp người dân ý thức về phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là những ý kiến trao đổi với chúng tôi của kỹ sư Phan Thị Mỹ Nhung cán bộ kỹ thuật thủy sản khi nói về mô hình nuôi xen ghép mà Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đang triển khai tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh.
Với diện tích 0,4 ha ở vùng thấp triều, trước đây phát triển nuôi tôm thẻ không hiệu quả do bị dịch bệnh. Ông Lê Văn Khánh thôn Mai Xá, xã Gio Mai đã được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ phát triển mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ, cua, cá dìa theo hướng ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường. Tham gia thực hiện mô hình ông Khánh được Trung tâm hỗ trợ 50% giá trị con giống và thức ăn để triển khai mô hình, tổng giá trị hỗ trợ hơn 35 triệu đồng, phần còn lại ông Khánh đóng góp. Nuôi theo hình thức xen ghép, trong một ao nuôi có 3 đối tượng nên sẽ thả giống với mật độ thấp: Cá dìa: 1 con/m2; Tôm thẻ: 10 con/m2; Cua: 0,5 con/m2.

mô hình nuôi xen ghép
Trao đổi với chúng tôi kỹ sư Mỹ Nhung cho biết thêm khi thực hiện mô hình nuôi xem ghép thì quá trình chăm sóc, quản lý cần được chú trọng, tùy theo giai đoạn phát triển của tôm, cua và cá dìa trong ao để có thể kết hợp các loại thức ăn cho phù hợp. Cần cho cá dìa ăn trước 30 phút sau đó cho tôm, cua ăn để hạn chế sự cạnh tranh thức ăn làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của tôm, cua. Giai đoạn đầu (trong tháng nuôi thứ nhất): Khẩu phần cho ăn hàng ngày chiếm 5 - 10% trọng lượng tổng đàn nuôi. Sau tháng nuôi thứ 2 trở đi lượng thức ăn trong ngày 5 - 2% trọng lượng tổng đàn trong ao. Ngoài ra trong quá trình nuôi cần bổ sung Vitamin C (5g/kg thức ăn) trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi trong ao. Để duy trì và ổn định các yếu tố môi trường ngoài việc thay nước và bón vôi, cần bổ sung thêm chế phẩm sinh học định kỳ.
Mô hình nuôi xem ghép này cho thấy các đối tượng nuôi không ảnh hưởng nhau mà còn tương trợ và bổ sung cho nhau, giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi. Tôm nuôi với mật độ thấp, phần thức ăn dư thừa và phân của tôm đã có cá dìa và cua ăn hết nên giảm nguy cơ gây ô nhiễm và nguồn bệnh. Ngoài ra, sự hoạt động của cá dìa cũng giúp thay đổi sự lưu chuyển nước ở tầng đáy. Các đối tượng nuôi đều có tốc sinh trưởng phát triển nhanh, môi trường nuôi ổn định không bị biến động mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp. Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình ông Khánh cho biết sau gần 3 tháng triển khai tôm, cua, cá rất nhanh lớn. Trọng lượng bình quân của tôm đạt 55 con/kg; cá đạt 5con/kg; cua đạt 6 con/kg. Ước tính sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng. “Tôi nuôi chuyên tôm 3 năm liền thì 2 năm thua lỗ, 1 năm huề vốn, nay chuyển sang mô hình nuôi xen ghép cá dìa, tôm thẻ và cua đã cho lợi nhuận, tôi thấy đây là mô hình hay tạo ra thu nhập ổn định. Hình thức nuôi kết hợp là một giải pháp tốt và an toàn cho các ao nuôi tôm kém hiệu quả vùng thấp triều, thời gian tới chắc chắn tôi sẽ duy trì và hướng dẫn cho các hộ sung quanh nhân rộng”. Ông Khánh nói.
Việc triển khai mô hình nuôi ghép này thay đổi cách nhìn của người dân trong quá trình lựa chọn hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả. Đây là mô hình nuôi rất phù hợp với những vùng nuôi thấp triều thường xuyên xảy ra dich bệnh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới nghề nuôi ổn định và bền vững.
Bài & ảnh: Phan Việt Toàn TTKN
|