GIO LINH TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÙNG GÒ ĐỒI, MIỀN NÚI
Ngày tạo: 28/08/2019
Lượt xem: 265
Là địa bàn chiến lược quan trọng về QP-AN, giữ gìn môi trường sinh thái và có tác dụng thúc đẩy phát triển KT-XH của toàn huyện, những năm qua, Gio Linh đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc triển khai các chương trình, chính sách phát triển KT-XH, hỗ trợ đời sống cho người dân vùng gò đồi, miền núi của huyện.
Tuy nhiên, về tổng thể, đến nay nền KT-XH của vùng Tây Gio Linh chưa đầu tư khai thác hiệu quả xứng với tiềm năng kinh tế của vùng. Để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững cho vùng gò đồi, miền núi, HĐND huyện Gio Linh đã ban hành Nghị quyết số 13 ngày 27/12/2017 phê duyệt “Chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025”.
Với tiềm năng đất đỏ bazan, vùng gò đồi, miền núi huyện Gio Linh có thế mạnh để phát triển nông nghiệp đa dạng. Ngành nông nghiệp của vùng đã đem giá trị sản xuất năm 2018 đạt khoảng 1.327 tỷ đồng, chiếm 39,8% toàn huyện. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính năm 2018 đạt khá như: Cao su 3.751,3ha, năng suất 12tạ/ha; hồ tiêu 451ha, năng suất 14tạ/ha; bơ 110ha; lạc 170ha, năng suất 21,3tạ/ha, nghệ vàng 270ha, năng suất trên 100tạ/ha/năm. Một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, chế biến nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp được hình thành, bước đầu có hiệu quả.
Vùng Tây Gio Linh cũng có lợi thế về chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung mô hình trang trại, gia trại và hộ gia đình. Các chính sách, chương trình, dự án đã hỗ trợ giống, xây dựng chuồng trại, vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi vùng này. Mô hình trang trại vừa và nhỏ đã liên kết được giữa cơ sở sản xuất, các tổ nhóm của nông dân với doanh nghiệp mang lại hiệu quả khá. Đến cuối năm 2018, tổng đàn trâu bò trên 8.550 con; đàn lợn trên 20.000 con; có 5 trang trại chăn nuôi tập trung chiếm 45% số trang trại toàn huyện.
Phát triển rừng là thế mạnh của vùng, có ý nghĩa quyết định về môi trường sinh thái. Những năm qua, chương trình phát triển và bảo vệ rừng bền vững đã thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, thu hút được nhiều hộ tham gia trồng rừng và nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn vùng có 6.200ha rừng sản xuất và 9.667,8ha rừng phòng hộ; hàng năm trồng mới trên 200ha rừng các loại, nâng độ che phủ rừng toàn vùng đạt 48,5%.
Nuôi thủy sản toàn vùng 505ha với sản lượng hàng năm khoảng 280 tấn, cung cấp nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của người dân. Sản xuất thủy sản chủ yếu là sử dụng nguồn nước sông, suối, các hồ tự nhiên, đập dâng thủy lợi; hình thức nuôi là thả tự nhiên bổ sung thức ăn, nuôi lồng bè.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp vùng gò đồi, miền núi của huyện còn những hạn chế cần khắc phục đó là: chậm quy hoạch vùng chuyên canh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa vững chắc. Quy mô sản xuất các cây trồng chủ lực còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến. Chất lượng nông sản hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phương thức canh tác một số nơi còn lạc hậu. Chăn nuôi gia súc chưa phát triển, còn phụ thuộc nhiều điều kiện tự nhiên. Nuôi trồng thủy sản mức đầu tư thấp nên hiệu quả không cao. Phát triển kinh tế rừng còn chậm, đời sống người dân sống ven rừng vẫn còn nhiều khó khăn.
Với quan điểm phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế của huyện, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị mà trước hết là của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng. Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện Gio Linh Trần Lương Quang cho biết: “Để đạt được mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8,03%/năm, trong đó nông, lâm, thủy sản trên 6,7%, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện và người dân vùng Tây Gio Linh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, trọng tâm là phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây ngắn ngày để cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, gắn với chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh”.
Đến năm 2020, phấn đấu mỗi năm xây dựng 1 - 2 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến theo hướng liên doanh, liên kết và đến năm 2025, mỗi xã của vùng có ít nhất 1 dự án nông nghiệp công nghệ tiên tiến; toàn vùng xây dựng từ 1- 2 dự án nông nghiệp sạch làm hạt nhân, tác động lan tỏa trong ứng dụng KHCN và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 37,1% năm 2020 và 38,7% vào năm 2025 trong nền kinh tế của huyện.
Trong trồng trọt, tập trung phát triển các loại cây trồng cạn ít tiêu thụ nước, trên cơ sở đầu tư thâm canh; kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đi đôi ứng dụng KHCN mới, nhất là công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ canh tác hữu cơ, công nghệ thu hoạch…chú trọng một số cây trồng chính như: Cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu, rau màu…
Chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 41,2% vào năm 2020 và năm 2025 đạt 43,5% trong tỷ trọng ngành nông nghiệp. Chú trọng phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, trang trại. Quy hoạch đất trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn có chất lượng, đi đôi lai tạo giống tốt. Phát triển đàn lợn theo hướng nạc hóa và hình thành trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở giết mổ tập trung.
Phát triển lâm nghiệp theo hướng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng và đất rừng gắn với phát triển mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Tiếp tục rà soát quy hoạch 3 loại rừng để đẩy mạnh giao đất rừng, giao rừng cho người dân, nhất là người dân sống ven rừng chủ động phát triển sản xuất lâm nghiệp. Hình thành các mô hình về phát triển kinh tế rừng để người dân vươn lên làm giàu từ rừng. Tập trung bảo vệ rừng ở vùng trọng điểm, rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng.
Nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có; mở rộng ở vùng có điều kiện, duy trì các đối tượng nuôi truyền thống, đẩy mạnh nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như cá chình, lươn, rô đầu vuông, ếch, ba ba... Phấn đấu diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản nước ngọt ổn định đến 2020 là trên 300ha.
Chú trọng phát triển các mô hình HTX cả về chất lượng và số lượng để hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt nông sản. Thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, giống, thị trường tiêu thụ cho các trang trại. Phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng có khoảng 15 trang trại đạt chuẩn. Cùng với đó, đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, cải tạo môi trường sinh thái, bên cạnh tiếp tục tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có; triển khai hệ thống kênh dẫn nước phù hợp đặc điểm địa hình của vùng gò đồi, miền núi.
Các nhóm giải pháp chủ yếu được huyện Gio Linh tập trung chỉ đạo thực hiện là: Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; đề cao trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, đặc biệt là năng lực triển khai thực hiện các chính sách phát triển KT-XH nông thôn miền núi; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời tập huấn kiến thức, kỷ năng về sản xuất và tổ chức đời sống cho người dân; khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ; tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng, đồng thời rà soát bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có của huyện cho phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới; có chính sách về đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống; quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng; xây dựng các mô hình kinh tế rừng có hiệu quả…
Đầu tư khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vùng Tây Gio Linh góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền KT-XH toàn huyện phát triển và đảm bảo QP-AN trên địa bàn huyện.
Trần Cát Linh - Báo Quảng Trị
|