HIỆU QUẢ MÔ HÌNH TRỒNG MƯỚP KHẾN TRÊN VÙNG CÁT
Ngày tạo: 21/05/2019
Lượt xem: 370
Vĩnh Thái là một xã nghèo thuộc vùng bãi ngang ven biển nằm về phía Đông - Bắc huyện Vĩnh Linh. Đời sống của người dân địa phương chủ yếu là khai thác, đánh bắt thủy hải sản ven bờ và sản xuất nông nghiệp. Điều kiện đất đai, thổ nhưỡng là đất cát trắng bạc màu nên cơ cấu cây trồng chưa phong phú đa dạng, chủ yếu là thâm canh các loại cây ngắn ngày như: Lạc, Môn, Ném… và các loại cây hoa màu khác.
Cùng với sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp địa phương, đồng thời nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế vào sản xuất nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ về KHKT của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người dân đã mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi cây trồng. Trong đó đáng chú ý nhất là cây Mướp khía hay còn gọi là cây Mướp khến.
Đây là một loại cây trồng truyền thống của người dân địa phương. Tuy nhiên, những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng để tự cung, tự cấp cho nên số diện tích được trồng là rất ít. Vì vậy sản phẩm làm ra chủ yếu mang tính hàng hóa nhỏ lẻ.
Mướp khến là loại cây thân leo rất dễ trồng và dễ chăm sóc; ít sâu bệnh và đầu tư vốn, phân bón ít (chủ yếu tranh thủ phân chuồng sẵn có ở hộ gia đình) lại cho hiệu quả kinh tế cao, giá cả đảm bảo và phù hợp với đồng đất cát như ở Vĩnh Thái. Trong những năm gần đây, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng Mướp với diện tích lớn hơn và mang tính hàng hóa hơn.
Hiện nay, toàn xã có khoảng gần 01 ha đất được người dân trồng Mướp khến, chủ yếu là ở thôn Đông Luật. Thời gian sinh trưởng của cây Mướp là khoảng 4 tháng và được trồng từ tết dương lịch. Sau khoảng thời gian 50 - 55 ngày là cho thu hoạch lứa đầu tiên; Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng hơn 2 tháng; giá bán ra giao động trong khoảng từ: 15.000đ - 20.000đ/1kg; Năng suất đạt từ: 6 - 7 tạ/sào.

Mô hình mướp khến của chị Hạnh
Tìm gặp chị: Trần Thị Hạnh ở thôn Đông Luật - Vĩnh Thái, trong lúc chị đang thu hoạch ở vườn mướp. Lúc gặp chị tôi thấy chị đã thu hoạch được khoảng hơn 1 tạ. Tôi tìm hiểu thêm thì được chị Hạnh cho biết: Nhà chị trồng được gần 2 sào Mướp khến; đến nay chị đã thu hoạch được hơn 1,2 tấn và thu về cho gia đình được hơn 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng). Chị cho biết thêm, khi thu hoạch lứa đầu tiên, do thị trường đang cần nguồn cung cấp, cho nên giá Mướp bán ra đạt khá cao, cụ thể là: 20.000đ/kg. Đến nay, do có nhiều hộ gia đình đã thu hoạch chính vụ, cho nên giá Mướp hạ xuống và giao động trong khoảng từ: 15.000đ đến 16.000đ/kg. Vào thời điểm cuối vụ như hiện nay, thì mỗi ngày gia đình chị thu nhập từ cây Mướp đạt khoảng 200.000đ - 230.000đ/ngày.
Chia tay với chị Hạnh trong niềm vui phấn khởi, trên đường đi tôi lại được gặp chị Nguyễn Thị Lộc - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đông Luật và một số người dân đang thu hoạch Mướp. Ghé lại cùng trao đổi, tâm tư với bà con và được bà con cho biết thêm: Trong hai, ba năm trở lại đây, người dân địa phương đã dần dần ít thâm canh cây Lạc vì giá cả lên xuống thất thường và thu nhập không cao. Vì thế hiện nay, cây trồng chủ lực của bà con trong thôn chủ yếu là cây Môn và cây Ném. Tận dụng những vùng đất thấp, ẩm bà con đã thâm canh cây Mướp. Hộ nào trồng nhiều thì khoảng 2 sào; hộ trồng ít thì khoảng 1 - 1,5 sào. Hiệu quả kinh tế thu về từ cây Mướp là khá cao, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, giá cả ổn định và đầu tư ít nên bà con tiếp tục mạnh dạn mở rộng diện tích để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình…
Mặt khác, cây Mướp ở Vĩnh Thái thường được trồng vào vụ Đông Xuân trái với các xã lân cận nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi mà giá cả lại phù hợp. Vì vậy, so với những loại cây trồng ở địa phương thì cây mướp vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, tôi thiết nghĩ răng các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cần có những chủ trương, biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để giúp đỡ người dân trong việc phát triển kinh tế nói chung và phát triển, nhân rộng mô hình trồng Mướp nói riêng giúp cho họ yên tâm lao động sản xuất tăng thu nhập cho gia đình và ổn định cuộc sống./.
Bài & ảnh: Nguyễn Thị Hồng - KNV Vĩnh Thái
|