HTX CỔ MỸ SỬ DỤNG MÀNG PHỦ NI LON CHO CÂY LẠC THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày tạo: 21/05/2019
Lượt xem: 363
HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang tiếp cận với dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị (gọi tắt dự án WB7) trên cây trồng cạn ở vụ sản xuất thứ 2. Đúc rút kinh nghiệm và khắc phục những khó khăn từ vụ sản xuất trước, vụ Đông Xuân 2018 - 2019, trên diện tích 17ha trồng lạc, cán bộ và nhân dân HTX thống nhất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của dự án đề ra. Đến với HTX Cổ Mỹ những ngày này, nhìn cánh đồng lạc sinh trưởng, phát triển tốt, người sản xuất vui mừng, phấn khởi và cảm nhận nhiều đổi thay trong sản xuất nông nghiệp ở nơi đây.
Hợp phần 3 của dự án WB 7 có tiêu đề “Hỗ trợ thực hiện Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập nông hộ, giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với rất nhiều nội dụng hoạt động. Mô hình nhân rộng tại HTX Cổ Mỹ thực hiện một trong các nội dung của dự án với gói hỗ trợ một phần giống lạc, công cụ gieo hạt, đạm vàng, 100% màng phủ ni lon nhằm nâng cao nhận thức và thực hành về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp bao gồm việc sử dụng các đầu vào (phân bón, thuốc BVTV…) thân thiện với môi trường, xử lý các phụ phẩm sau thu hoạch (rơm rạ, thân, lá…) bằng nhiều biện pháp phù hợp và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, thực hành nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó giúp người nông dân thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi cách sản xuất cũ để tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cây trồng tăng năng suất, giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể như sau: Kỹ thuật trồng lạc dày được thực hiện khá phổ biến ở nhiều địa phương và nay HTX Cổ Mỹ mạnh dạn áp dụng giúp tận dụng nguồn dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng. Khi sử dụng công cụ gieo hạt giúp đảm bảo mật độ trên đồng ruộng đồng thời tiết kiệm sức lao động bởi tốc độ của máy khi đất đã được chuẩn bị sẵn chỉ cần khoảng 30 phút/1 sào mà thôi. Điểm nhấn quan trọng của mô hình cần nhắc tới nữa là màng phủ ni lon, chưa khi nào màng phủ ni lon cho cây lạc lại có giá trị như vụ sản xuất Đông Xuân 2018-2019 năm nay, hầu như thời tiết chỉ có nắng nóng liên tục kéo dài từ trung tuần tháng 1, tại các địa phương cây lạc bị ảnh hưởng, tuy nhiên màng phủ nilon như một giải pháp cứu cánh chống hạn cho cây. Ông Hồ Ngọc Đoài, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Linh, người trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: “Trong những ngày nắng nóng, khi kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây lạc, chúng tôi thấy hơi nước bốc rất nhiều phía dưới màng phủ và ruộng nào có màng phủ cây lạc sinh trưởng tốt hơn so với những ruộng không có màng phủ. Đặc biệt sau khi đục lỗ cho cây lạc mọc lên, bà con lấp đất lên mặt luống nên đã hạn chế cỏ dại rất nhiều”. Khi áp dụng màng phủ ni lon, bà con tiết kiệm được khá nhiều công lao động, cụ thể việc bón phân chỉ thực hiện một lần duy nhất trước khi gieo hạt và chỉ cần bổ sung thêm phân bón qua lá khi cần; Tiết kiệm công làm cỏ, tại những vùng ruộng cỏ dại mọc nhiều từ các vụ trước, bà con hầu như chỉ phải nhổ cỏ bằng tay một lần tại gốc lạc, do khi đục lỗ xong thì lèn đất chặt lên mặt luống nên đã khống chế được cỏ dại phát triển và cạnh tranh dinh dưỡng. Chị Lê Thị Vân Anh, một thành viên tích cực của HTX Cổ Mỹ nói với chúng tôi rằng: “Những vụ sản xuất trước, bệnh lỡ gốc rễ, sâu ăn lá khá phổ biến, nhưng năm nay chị mới chỉ cần phun 1 lần thuốc trừ sâu sinh học kết hợp với phân bón qua lá mà thôi, bệnh chết ẻo chỉ xuất hiện rãi rác”. Như vậy, cây lạc phát triển khá thuận lợi và tình hình sâu bệnh hại cũng giảm nhiều so với những năm trước. Từ những thay đổi một số chi tiết trong kỹ thuật canh tác của người nông dân tại HTX Cổ Mỹ, Vĩnh Giang đã mang lại một số lợi ích tích cực và người sản xuất là người cảm nhận được rõ nét hơn cả.

Mô hình lạc ở HTX Cổ Mỹ
Ông Lê Chẩn, giám đốc HTX Cổ Mỹ phấn khởi cho chúng tôi biết thêm: “Cây lạc phát triển rất tốt, tỷ lệ lạc mọc đều, bà con nông dân tích cực chăm sóc, tuân thủ mô hình. Hiện nay, cây lạc bước vào thời kỳ phát triển củ qua kiểm tra ban đầu thấy tỷ lệ đậu quả khá nhiều. Tôi tin chắc rằng mặc dù dự án chỉ hỗ trợ một lần nhưng khi không còn dự án nữa thì bà con vẫn tự mua màng phủ, sử dụng công cụ gieo hạt và áp dụng đúng như quy trình kỹ thuật của dự án đề ra cho những vụ sản xuất tiếp theo”. Đây là mục đích, mục tiêu quan trọng mà dự án WB 7 hướng đến, đó là khả năng nhân rộng của mô hình trong sản xuất, nhiều địa phương được tiếp cận với dự án, nhiều diện tích cây trồng được thực hiện, thay đổi được nhận thức cũng như những tập quán sản xuất đã cũ sẽ góp phần giúp cây trồng thích ứng với sự biến đổi phức tạp của điều kiện khí hậu và mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích.
Vẫn biết nhiều khó khăn cho sản xuất của nông nghiệp còn ở phía trước, để thay đổi một tập quán canh tác, việc theo dõi thử nghiệm và kiểm tra sự phù hợp của một quy trình sản xuất tại địa phương cần phải có nhiều thời gian nhưng nhìn cánh đồng lạc thẳng tắp, xanh tốt chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng cho những vụ mùa thắng lợi trong thời gian tới.
Bài & ảnh: Lê Thị Hiền Lương - Trạm TT & BVTV huyện Vĩnh Linh
|