KHỞI NGHIỆP VỚI MÔ HÌNH TRỒNG CÂY ĂN QUẢ
Ngày tạo: 04/04/2019
Lượt xem: 388
Trong khi nhiều gia đình ở huyện Vĩnh Linh lựa chọn trồng các loại cây trồng truyền thống như hồ tiêu, môn, khoai, rau màu... thay cho cây cao su bị gãy đổ do trận bão số 10, năm 2013 thì chị Lê Thị Luyện, thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa đã tìm hiểu và trồng 200 gốc quýt đường.
Năm nay, 200 gốc quýt của gia đình chị Luyện cho thu hoạch vụ thứ 2 với khoảng gần 3 tấn sản phẩm. Vụ quýt này thu hoạch đúng vào dịp Tết, bán được giá nên gia đình chị cũng có được một nguồn thu kha khá. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng để có được mùa quả ngọt như hôm nay, chị Luyện đã tốn rất nhiều công sức cho vườn quýt. Chị Luyện chia sẻ: “Sau trận bão số 10 năm 2013, cũng như nhiều gia đình trong vùng, vườn cao su của gia đình của tôi đổ gãy gần hết. Tuy nhiên khi bà con trong xã nhanh chóng khắc phục thiệt hại, chuyển đổi cây trồng thay cho cao su gãy đổ thì gia đình tôi lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì chồng tôi bị bệnh nặng, các con thì còn nhỏ không đủ sức lao động. Trồng cây gì để chi phí đầu tư thấp, công sức lao động ít khiến tôi suy nghĩ mãi. Nhớ lại ở Nghệ An quê tôi cũng có đất đai, khí hậu tương đồng với đây nên tôi đã nhờ người bà con ở quê gửi vào cho một số cây quýt về trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy giống quýt đường từ Nghệ An gửi vào trồng bước đầu sinh trưởng, phát triển nhanh, có vẻ phù hợp với chất đất ở đây nên tôi đã vay Quỹ tiết kiệm tín dụng của Chi hội phụ nữ thôn Hòa Bình 10 triệu đồng để đầu tư trồng 6 sào quýt với 200 gốc.
Theo chị Luyện, trồng quýt không khó mà điều quan trọng là cần phải thường xuyên theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời các loại sâu và bọ gây hại. Tùy từng thời điểm mà có cách phòng trừ bệnh hại phù hợp. Đặc biệt, với kiến thức học được từ lớp trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi do Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp với Trung tâm dạy nghề (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) tổ chức chị Luyện đã trồng, chăm sóc vườn quýt của gia đình theo hướng an toàn. Chị chỉ bón phân chuồng ủ qua men vi sinh, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích để cây ra hoa tạo quả mà sử dụng các chế phẩm sinh học tự làm như ớt, tỏi, gừng... để phun tưới cho cây khi phát hiện sâu, bọ gây bệnh. Cũng theo kinh nghiệm của chị Luyện, quýt là loại cây trồng cần nhiều nước nên khi chăm sóc cũng chú ý thường xuyên tưới nước từ khi ra hoa đến khi đậu quả. Loại cây ăn quả này vừa nhanh thu hoạch vừa được thị trường ưa chuộng nên thuận lợi cho những hộ có ít vốn tái đầu tư sản xuất như gia đình chị. Năm 2017, chị Luyện được Hội LHPN xã tạo điều kiện đề xuất Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để mở rộng diện tích trồng thêm 1,5 mẫu cây ăn quả gồm các loại cây ổi, mít, cam sành trên diện tích cao su còn lại.
%20%C4%91ang%20gi%E1%BB%9Bi%20thi%E1%BB%87u%20v%E1%BB%81%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20qu%C3%BDt%20-%20Thu%20H%C3%B2a.JPG)
Chị Lê Thị Luyện (đội mủ) đang giới thiệu về vườn quýt
Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Hòa, gia đình chị Luyện thuộc diện hộ nghèo vì chồng bị bệnh ung thư, thường xuyên vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị nên rất tốn kém, hai con nhỏ đang đi học cùng với một mẹ chồng già yếu nên chị Luyện là lao động chính để trang trải mọi khoản chi phí trong gia đình. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Luyện luôn nỗ lực vươn lên, không chỉ biết tính toán đầu tư mô hình kinh tế phù hợp chị còn là một cán bộ hội nhiệt tình, năng nổ trong công tác. Mô hình trồng quýt trên đất đỏ bazan của chị là mô hình tiên phong trong chuyển đổi cây cao su sang trồng cây ăn quả của địa phương. Từ mô hình của chị, năm 2018 Hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp dạy nghề trồng cây ăn quả đồng thời phối hợp NHCSXH hỗ trợ cho hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư mô hình. Sau lớp học nghề, chị em các chi hội đã đầu tư xây dựng 5 mô hình trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi và mít, cam sành... Hiện các mô hình đang phát triển tốt, hi vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho chị em trong thời gian tới đồng thời là tiền đề để địa phương chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Bài & ảnh: Mai Lâm - Thu Hòa - Hội LHPN
|