MÔ HÌNH SINH KẾ NUÔI GÀ THẢ VƯỜN - GIÚP ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG CHO HỘ DÂN VÙNG PHỤ CẬN RỪNG PHÒNG HỘ
Ngày tạo: 08/01/2019
Lượt xem: 471
Nhằm mục đích chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gà thả vườn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thay đổi phương thức chăn nuôi cho bà con nông dân trên địa bàn các xã và vùng phụ cận rừng phòng hộ thuộc dự án Jica2 tỉnh Quảng Trị; Từ đó người dân sẽ tham gia tích cực vào công tác quản lý và bảo vệ rừng; Cam kết không có những hoạt động gây ảnh hưởng tới diện tích rừng phòng hộ của dự án Jica2 nói riêng và diện tích rừng phòng hộ khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung.
Năm 2018, được sự hỗ trợ của dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Jica2 tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thả vườn” tại 6 thôn của các xã: Hải Sơn (Hải Lăng), xã Triệu Thượng (Triệu Phong), xã Linh Thượng (Gio Linh), xã Hướng Sơn (Hướng Hóa). Cho 48 hộ nông dân. Đây là những thôn mục tiêu, thuộc các xã mục tiêu nằm trong vùng dự án. Tham gia xây dựng mô hình mỗi hộ được hỗ trợ 100 con giống gà ri 01 ngày tuổi, chế phẩm sinh vật, thức ăn hổn hợp: xã Linh Thượng huyện Gio Linh và xã Hướng Sơn huyện Hướng Hóa được hỗ trợ 120kg/hộ; xã Hải Sơn huyện Hải Lăng và xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong được hỗ trợ 36kg/hộ .Ngoài ra còn hổ trợ một phần kinh phí làm chuồng trại cho 2 xã vùng miền núi (Xã Hướng Sơn - Hướng Hóa và xã Linh Thượng - Gio Linh) với định mức 1 triệu đồng/hộ.
Trước và trong quá trình triển khai mô hình các hộ nông dân được tham gia 2 lần tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn tại hiện trường bằng phương pháp “bắt tay chỉ việc”, hướng dẫn cho các hộ quy trình chăn nuôi gà qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển cũng như cách làm chuồng trại, đệm lót sinh học; cách chọn gà giống; kỹ thuật úm, chăm sóc và quy trình phòng trị bệnh cho gà giúp cho người dân tham gia dễ hiểu, dễ áp dụng. Anh Nguyễn Hữu Bằng - Cán bộ kỹ thuật dự án Jica2 cho biết: Với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của đàn gà, cán bộ kỹ thuật luôn bám sát cơ sở để hướng dẫn cho người dân trong việc triển khai, thực hiện để từ đó có những điều chỉnh kịp thời. Sau khi kết thúc mô hình, người dân có thể nắm vững quy trình trong chăn nuôi gà. Từ đó vận dụng vào điều kiện kiện chăn nuôi của gia đình mình và hướng dẫn lại cho những hộ dân khác muốn học tập và làm theo để phát triển sinh kế.
Với mục đích giảm giá thành chi phí thức ăn trong chăn nuôi gà, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Dự án đã hướng dẫn cho bà con sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn có sẵn tại địa phương để phối hợp khẩu phần thức ăn phù hợp cho gà theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau. Từ đó để người dân được tiếp cận phương pháp chăn nuôi hiện đại kết hợp với truyền thống, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà.

Mô hình nuôi gà thả vườn Thuộc DA Jica năm 2018
Theo ông Trần Lương - Kỹ sư Chăn nuôi - Cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình chúng tôi khuyến cáo bà con áp dụng khẩu phần chăn nuôi gà gia đình theo 3 giai đoạn: Giai đoạn gà con (gà từ 01-21 ngày tuổi) phối trộn bột ngô (50%), cám gạo (20%), thức ăn đậm đặc cho gà thịt (30%); giai đoạn gà dò (gà từ 22 - 42 ngày tuổi) phối trộn bột ngô (50%), cám gạo (22%), thức ăn đậm đặc cho gà thịt (28%), giai đoạn vỗ béo (gà trên 42 ngày tuổi) phối trộn bột ngô (50%), cám gạo (25%), thức ăn đậm đặc cho gà thịt 25%).Tuy nhiên tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương và từng gia đình để có thể thay thế những nguyên liệu thức ăn sẳn có nhưng vẫn đảm bảo được định mức năng lượng và Protein đầy đủ và cân đối”.
Kết quả mô hình sau gần 3 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống của các mô hình đạt 93,8%, trọng lượng bình quân đạt từ 1,2 -1,6 kg/con. Khả năng tăng trọng đều đạt và vượt mức yêu cầu kỹ thuật đề ra. Với quy mô 100 con gà thịt/ MH, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được bình quân gần 5 triệu đồng/1 mô hình (trong 3 tháng nuôi).
Sống ở thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa việc mưu sinh của gia đình anh Hồ Văn Từ trước đây luôn phụ thuộc vào rừng. Từ khi được hoạt động cải thiện sinh kế của dự án Jica2 hỗ trợ gà giống, kinh phí làm chuồng và một phần thức ăn để phát triển chăn nuôi, lại được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà, gia đình anh có được nguồn thu nhập đáng kể, đặc biệt tham gia mô hình đã nắm được kiến thức cơ bản về chăn nuôi gà. Anh Từ chia sẻ: "Trước đây đồng bào chúng tôi nuôi gà nhưng nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, chủ yếu thả rông, không chuồng trại, không chăm sóc nên gà thường phát triển kém và dễ bị bệnh. Nhưng nay, nhờ có cán bộ khuyên nông xuống hướng dẫn về cách làm chuồng trại, úm gà, nuôi gà qua các giai đoạn và cách phòng bệnh cho gà nên đàn gà đã phát triển tốt, tăng trọng nhanh mà không bị dịch bệnh như trước đây. Hi vọng cuộc sống cải thiện để gia đình tôi không còn phải vào rừng chặt cây, kiếm củi nữa".
Đánh giá về những lợi ích mà mô hình mang lại, ông Nguyễn Trung Hậu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cũng cho biết: Việc triển khai các mô hình chăn nuôi gà thả vườn cho bà con nông dân trên địa bàn các xã và vùng phụ cận rừng phòng hộ thuộc dự án Jica2 có một ý nghĩa quan trọng. Đây được xem là một trong những mô hình sinh kế giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống. Hơn thế, từ việc tiếp cận mô hình đã giúp bà con thay đổi tư duy của mình từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự quản lý đầu tư sang chăn nuôi theo hướng có đầu tư, thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thông qua mô hình bà con nông dân đã xác đinh được việc lựa chọn con giống tốt sẽ là một trong những yếu tố giúp tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đồng thời bà con cũng nắm bắt và thực hành tốt việc úm gà 01 ngày tuổi, đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị kinh tế chăn nuôi gà.
Tuy nhiên ông cũng cho biết thêm; hiện tại người dân trong vùng còn mang nặng tập quán chăn nuôi gà chưa chú trọng đầu tư thức ăn, đặc biệt là thức ăn giàu đạm. Quy trình phòng trừ dịch bệnh phần lớn người dân chưa thực sự quan tâm. Để tăng thu nhập trong chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân, trong thời gian tới, các hộ nuôi cần chú trọng đầu tư thêm thức ăn (đặc biệt là thức ăn giàu đạm) nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng cho gà nuôi thả vườn ở giai đoạn đầu (01 - 21 ngày tuổi). Ngoài ra các hộ cũng cần lựa chọn thời điểm nuôi thích hợp, để khi kết thúc chu kỳ nuôi bán được giá cao hơn. Đặc biệt nên tận dụng các loại thức ăn sẵn có ở địa phương để phối trộn cho gà ăn nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Thông qua việc tham gia các hoạt động dự án, các hộ dân trong mô hình và nhiều hộ dân khác cóthêm kiến thức về chăn nuôi. Bên cạnh đó, mô hình đã góp phần tạo việc làm cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thu nhập , cải thiện sinh kế đối với người dân, hạn chế tình trạng khai thác và chặt phá rừng ảnh hưởng đến rừng phòng hộ; phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, cung cấp sản phẩm thịt gà an toàn cho người tiêu dùng.
BÀi & ảnh: Hoàng Thị Hương- Trung tâm Khuyên nông Q.Trị
|