NUÔI KẾT HỢP TÔM THẺ CHÂN TRẮNG - CÁ ĐỐI MỤC VÀ CUA: HƯỚNG ĐI MỚI CHO CÁC VÙNG NUÔI TÔM THƯỜNG XUYÊN BỊ DỊCH BỆNH
Ngày tạo: 02/01/2019
Lượt xem: 407
Nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm được xem là ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế vùng bãi ngang, ven biển của huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu làm môi trường nuôi bị suy thoái dẫn đến dịch bệnh tôm nuôi xẩy ra thường xuyên và ở nhiều vùng, kéo dài qua nhiều năm và trở nên trầm trọng. Hậu quả là có nhiều ao nuôi tôm bị bỏ hoang, đời sống của người nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giảm thiểu rủi ro do độc canh con tôm mang lại và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững. Năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong đã triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ - cá đối mục - cua trong ao và đã đạt được kết quả hết sức khả quan.
Gặp chúng tôi ông Nguyễn Văn Thuẫn, ở tại thôn Hà La (xã Triệu Phước) khoe: Tôm khỏe mạnh hơn nhờ nuôi chung với cá đối, quanh đây nhiều nhà năm nay tôm bị dịch bệnh phải treo ao nhưng ao tôm của mình vẫn phát triển tốt. Ông Thuẫn cho biết: Sau nhiều năm nuôi tôm thất bại, ông đã tìm đến các cơ quan chuyên môn để tìm hiểu mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh nhờ các giải pháp sinh học từ các loài cá như cá dìa, cá đối. Vì vậy khi nghe tin Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ - cá đối mục và cua trong ao ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Tháng 3/2018, Trạm Khuyến nông huyện thả 2.000 con cá đối mục theo tỷ lệ 0,5 con/m2 trên diện tích 0,4ha ao nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Thuẫn. Đến tháng 4/2018, tôm thẻ chân trắng với số lượng 40.000 con (mật độ 10 con/m2) và cua với số lượng 2.000 con (mật độ 0,5 con/m2) được thả nuôi kết hợp với cá đối mục. Đồng thời hỗ trợ một phần thức ăn cho các đối tượng nuôi nói trên. Sau gần 3 tháng nuôi với tôm thẻ chân trắng, 4 tháng đối với cua và 6 tháng nuôi với cá đối mục, cả cá và tôm, cua đều phát triển rất tốt, cá đối mục đạt trọng lượng từ 0,2 - 0,3 kg/con, cua đạt 3 con/kg và tôm thẻ đạt 100 con/kg. Với giá bán tôm 80.000 đồng/kg, cá đối mục 120.000 đồng/kg, cua 350.000 đồng/kg ông Thuẫn thu về gần 110 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 47 triệu đồng. “Khi thả nuôi kết hợp cá đối mục với tôm thẻ và cua, con tôm thẻ phát triển rất tốt, không xảy ra dịch bệnh, môi trường nước ao nuôi trong sạch hơn nhờ cá đối mục ăn rong tảo và chất thải của tôm, cua”, ông Thuẫn khẳng định.

cua nuôi từ mô hình nuôi xen ghép cua cá của anh Thuẫn
Theo ông Phan Văn Phương - Phó Trưởng phòng kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thức ăn chủ yếu của cá đối mục là chất thải của tôm, mùn bã hữu cơ, các loài tảo lam, tảo lục, tảo khuê, các loại ấu trùng,... Vì vậy, việc nuôi cá đối mục góp phần cân bằng sinh thái môi trường nuôi trong ao, giúp nguồn nước sạch tảo bẩn và các loại ấu trùng gây hại, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên con tôm. Cụ thể, với mô hình nuôi kết hợp này mức lợi nhuận có thể không cao so với nuôi tôm thâm canh nhưng môi trường nuôi lại rất ổn định, ít bị biến động. Chi phí cho các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường gần như không có nên sản phẩm đảm bảo an toàn về chất lượng. Chi phí về thức ăn cũng thấp do các đối tượng nuôi tận dụng nguồn thức ăn của nhau, đặc biệt chi phí thức ăn của cá đối mục không nhiều nhưng sản lượng thu được cao bởi cá đối mục là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ, ấu trùng các loại… đã góp phần giảm chi phí thức ăn. Ông Phương cũng lưu ý: Để đạt được hiệu quả kinh tế cao khi áp dụng hình thức nuôi kết hợp này bà con nông dân cần thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật như: Ao nuôi phải đảm bảo độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5 m; Có nguồn nước cấp chủ động và sạch, không bị ô nhiễm do chất thải nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt; bờ đê chắc chắn không bị rò rỉ; ao có hệ thống máy sục khí.
Để đảm bảo môi trường ao nuôi, quá trình cải tạo ao nuôi được tiến hành theo các bước sau: Tháo cạn nước ao nuôi, vét bùn đáy ao và tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước; rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài và tránh thất thoát cua trong ao nuôi bò ra ngoài; bón vôi với liều lượng 10kg/100 m2 và bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy; Phơi đáy ao 10 ngày trong thời tiết nắng nóng; lấy nước vào ao qua túi lọc bằng vải dày với mức nước lên 1,2m, để như vậy trong vòng 2 ngày rồi dùng Saponine với liều lượng 15kg/1.000m3 nước, đánh vào thời điểm sáng sớm (6h) để tiêu diệt hết cá tạp; gây màu nước chỉ bằng cách tạt vôi nông nghiệp, sau 3 ngày màu nước lên xanh lá chuối non thì tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi đảm bảo thích hợp để thả giống như: độ mặn: 10 - 30‰; nhiệt độ: 26 - 320C; hàm lượng oxy hòa tan trên 4mg/l; pH: 7,5 - 8,5. Con giống thả nuôi phải đồng đều về kích cỡ, không bị xây xát, đầy đủ các bộ phận; không bị dị tật, dị hình; màu sắc tươi sáng, có màu tự nhiên đặc trưng; hoạt động nhanh nhẹn và phản xạ nhanh. Mật độ thả nuôi đối với cá đối là 0,5 con/m2 (kích cỡ 3 - 5 cm/con), tôm thẻ chân trắng là 10 con/m2 (tôm P12), cua là 0,5 con/m2 (cua khay cỡ c3). Giống được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; trước khi thả đối với tôm, cá đối mục, các túi giống được ngâm trong ao 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi cho nước vào từ từ rồi thả giống ra ao nuôi, thả giống đầu hướng gió để tạo điều kiện cho tôm, cá phân bố đều khắp ao; giống cua khay được thả đều khắp ao và thả vào những điểm nền đáy ao sạch, cát nhiều, không thả giống cua tập trung tại một điểm.
Đối với cá đối mục sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp dành cho cá có độ đạm 22 - 30%, trong 2 tháng nuôi đầu thức ăn được ngâm nở trong nước 20 phút trước khi cho ăn, sau 2 tháng nuôi khi cá đã lớn thì cho ăn thức ăn trực tiếp mà không cần ngâm nở thức ăn trước nữa; mỗi ngày cho cá đối mục ăn 02 bữa vào lúc sáng sớm (6h) và chiều mát(17h). Đối với tôm thẻ chân trắng sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho tôm, cho ăn 2 bữa/ngày. Đối với cua: giai đoạn đầu khi mới thả nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp của tôm để cho cua ăn. Sau khoảng 1,5 tháng nuôi bắt đầu sử dụng cá tạp tươi hấp chín và cắt nhỏ cho cua ăn; nếu cho ăn hến thì cần cho hến vào vó khi cho cua ăn. Lưu ý là trong một bữa ăn, để đảm bảo cho tôm, cua nuôi ăn đầy đủ thức ăn thì cho cá đối mục ăn trước khoảng 30 phút sau đó đến cho tôm, cua ăn. Lượng thức ăn công nghiệp hàng ngày khoảng 5 - 10% trọng lượng tổng đàn nuôi trong giai đoạn đầu. Từ tháng nuôi thứ 3 trở lên lượng thức ăn trong ngày còn khoảng 3 - 5% trọng lượng đàn trong ao. Khi cho ăn cần quan sát sức ăn và thời gian ăn hết thức ăn nhanh chậm của các đối tượng nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho ăn.
Định kỳ hàng tuần cần đo các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, DO, độ mặn…. để đảm bảo các thông số này nằm trong ngưỡng thích hợp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Định kỳ 7 ngày cấp nước cho ao nuôi đạt 1,2m trở lên để bù vào lượng nước đã bị bốc hơi và rò rỉ ra bên ngoài. Định kỳ 10 ngày/lần bón vôi, khoáng với liều lượng 4kg/100m2 để ổn định môi trường nước nuôi, vôi cần cả trên bờ ao. Khi thấy nước ao nuôi nhiễm bẩn cần sử dụng men vi sinh đáy để xử lý nước nuôi hoặc định kỳ 1 tháng 1 lần dùng men đáy để xử lý nước áo nuôi. Trong quá trình nuôi để tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi cần thường xuyên trộn vitamin C vào thức ăn với liều lượng 2 - 5g/1kg thức ăn.
Ông Phương cho biết thêm, những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, từ khoảng tháng 4 trở đi thường xuyên có mưa dông, nắng gắt, mưa đột ngột làm cho môi trường trong ao nuôi luôn biến động, tảo phát triển mạnh, tôm nuôi khó phát triển, dịch bệnh. Việc nuôi kết hợp tôm, cua với các loài cá như cá đối, cá dìa, cá rô phi… là giải pháp giúp hạn chế dịch bệnh cho tôm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Lý do là thức ăn của cá là rong tảo, mùn bã hữu cơ trong ao, thức ăn thừa của tôm, không cạnh tranh thức ăn với tôm, giúp môi trường nuôi sạch hơn. “Trong các loài cá có thể nuôi kết hợp với tôm, cua thì cá đối mục là loài dễ nuôi nhất, đã cho sinh sản nhân tạo được nên chủ động được nguồn giống và hiệu quả kinh tế không kém gì các loại cá khác. Trong khi cá dìa nguồn giống phải phụ thuộc vào tự nhiên, phụ thuộc nhiều quạt nước trong ao nuôi tôm, thiếu oxy chỉ trong thời gian ngắn cá dìa có thể sẽ chết, còn cá đối rất khỏe, trong trường hợp khẩn cấp chúng ngoi lên mặt nước để thở. Với cá rô phi, dù được ví là máy lọc nước sinh học nhưng do hiệu quả kinh tế không cao; mặt khác chúng cạnh tranh thức ăn với tôm, ăn cả tôm nên không thể nuôi ghép trên cùng một diện tích ao nuôi”, ông Phương tiết lộ.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong - bà Nguyễn Thị Lộc cho biết, việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng với cá đối mục và cua đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm. Đặc biệt là với các ao nuôi tôm kém hiệu quả, các ao trước đây thường xảy ra dịch bệnh, môi trường suy thoái. Thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích và sản phẩm thu được có hiệu quả kinh tế cao. Phù hợp với trình độ sản xuất và nguồn vốn đầu tư của đa số nông dân. “Trên cơ sở này, trong những vụ tới Trạm sẽ tham mưu, đề xuất với UBND huyện có những chính sách hỗ trợ để nhiều người nuôi tôm được tiếp cận cách nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, góp phần thay đổi cách nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm có nhiều rủi ro do dịch bệnh, cải thiện môi trường trong ao nuôi tôm vừa tăng giá trị kinh tế cho người nuôi”.
Bài & ảnh: Hoàng Thị Thùy Trang - Trạm KN huyện Tr. Phong
|