CHÀNG KỸ SƯ TRẺ DÁM THAY ĐỔI VƯƠN LÊN LÀM GIÀU
Ngày tạo: 02/01/2019
Lượt xem: 424
Trong những năm gân đây, trên địa bàn xã Linh Hải, huyện Gio Linh đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó phải kể đến tấm gương điển hình của chàng trai trẻ Hoàng Văn Mẫn khởi nghiệp và đi lên từ mô hình kinh tế vườn ao chuồng (VAC).
Sinh năm 1988, nơi vùng kinh tế mới thôn Hải Tân, xã Linh Hải, huyện Gio Linh, năm 2011 tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành Kỹ thật xây dựng. Sau ngày ra trường với tấm bằng kỷ sư cùng với sự nhanh nhạy, hoạt bát, chịu khó học hỏi, không ngại gian khổ, Hoàng Văn Mẫn đã nhanh chóng tìm được việc làm ở Thành phố Đà Nẵng với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, không bằng lòng với công việc hiện có, sau 4 năm gắn bó với công việc chàng kỷ sư trẻ quyết định rời TP Đà Nẵng về quê lập nghiệp.
Trở về quê hương khởi nghiệp trước sự khuyên ngăn của gia đình, bạn bè khi đã có công việc ổn định, những kiến thức, kỷ năng về mô hình, trang trại còn khá mới mẻ, đó là bước cản, khó khăn nhỏ. Hơn nữa đối với Hoàng Văn Mẫn “Trở về quê hương là trở về với chính mình, trở về với tình cảm cao quý mà rất đổi bình dị, gần gũi mà thân thuộc, mộc mạc mà chất phác, được tự do, tự tại. Điều đặc biệt hơn đó là được sống trải lòng, chia sẻ với bà con lối xóm, góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng gia đình, quê hương” anh tâm sự.
Từ tư duy đến hành động việc làm, thay đổi chính mình là niềm ấp ủ bấy lâu của chàng trai kỹ sư khẳng khái, đầy bản lĩnh và quyết đoán. Biết được “Thiên thời, địa lợi’’, thiên nhiên, điều kiện khí hậu ưu đãi, ban đầu anh mạnh dạn thế chấp ngân hàng vay 200.000.000đ cùng với số vốn hơn 100.000.000đ anh tích cóp, dành dụm được, anh Mẫn hợp đồng thuê mặt nước hồ Tân Hà của UBND xã diện tích hơn 10ha, với số tiền 38.000.000đ/năm trong thời hạn 5 năm để nuôi cá nước ngọt. Cá chủ yếu các loại như trắm, mè, trôi, chép, thát lát, rô phi,… Mỗi năm anh thả khoảng từ 70 - 80 triệu tiền cá giống. Không dừng lại ở đó, anh còn chịu khó học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, tìm hiểu trên sách báo về kỹ thuật nuôi cá chình lồng, cá leo, cá thát lát cườm. Năm 2017 anh đầu tư lồng thả thí điểm 500 con cá chình, khoảng 3.000 cá leo, lát cườm các loại và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh chia sẻ “Đây là loại cá vừa có giá trị kinh tế, vừa dễ nuôi đồng thời tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có, được người tiêu dùng ưa chuộng, và có thị trường tiêu thụ rộng rãi”.
Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm trang trại chăn nuôi lợn. Quy mô chuồng trại lên đến 300 con. Bao gồm cả lợn nái và lợn thịt, vừa làm vừa học hỏi, ban đầu anh nuôi 11 con lợn nái, chủ yếu là để cung cấp giống và thả khoảng 100 lợn thịt. Đối với anh chất lượng giống, kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại là yếu tố quan trọng nhất nên đàn lợn của anh mau lớn, ít dịch bệnh, gần đây, nhờ giá lợn cao và ổn định anh mạnh dạn đầu tư với số lượng 300 con, sau 3 tháng anh xuất bán một lần, trọng lượng lợn thịt từ 70 - 80kg/con. Nhờ hệ thống chuồng trại thiết kế mát mẻ, vừa xa khu dân cư, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nên ngoài việc cung cấp lợn thịt ra thị trường mục đích của anh là giải quyết một khối lượng lớn thức ăn, đảm bảo thức ăn cho cá hằng ngày.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tận dụng mặt hồ, các loại phụ phẩm thức ăn như tôm, tép, các loại cá nhỏ anh nuôi thêm 100 con ngan và hơn 100 con gà thả vườn, chủ yếu là để lấy thịt, sau 4 tháng xuất bán, giá ngan và gà thả vườn bán ra thị trường dao động khoảng từ 80.000 - 130.000đ/kg, ngoài ra anh còn trồng 1.0 ha cao su chuẩn bị cho khai thác, hơn 100 gốc tiêu đạt sản lượng từ 1tạ đến 1,5 tạ/năm.
Có thể nói mô hình trang trại V. A. C của anh Hoàng Văn Mẫn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo sự lan tỏa động lực cho các bạn trẻ muốn vươn lên làm giàu. Hàng năm mô hình của anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, đây là nguồn thu không hề nhỏ ở một vùng quê nghèo. Ngoài ra từ mô hình của mình anh đã tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, có 5 - 7 lao động thời vụ và 02 lao động thường xuyên. Trao đổi cùng chúng tôi ông Lý Đức Lộc - UV BCH Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững. Đồng thời là tín hiệu đáng vui mừng cho gia đình, quê hương, xã nhà trong việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra. Qua đó cần tuyên truyền, nhân rộng mô hình trong toàn xã trong thời gian tới”
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Anh Hoàng Văn Mẫn còn tham gia các hoạt động xã hội với nhiều chương trình từ thiện như giúp đỡ các em nhỏ bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, anh luôn sẵn lòng chia sẻ những trải nghiệm của mình, những kiến thức, kỷ năng mà anh học hỏi được trong thực tế. Luôn nhiệt tình, hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con tham quan học tập mô hình của mình. Bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, với tin thần dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi anh Hoàng Văn Mẫn thực sự là một tấm gương trong phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc, văn minh, giàu đẹp hơn./.
Nguyễn Viết Luân - CTVKN xã Linh Hải
|