CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG GẮN VỚI MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày tạo: 25/07/2018
Lượt xem: 422
Xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Đây là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn, phải huy động nhân dân và doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 23/2/2017, trong đó tiêu chí về Thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.
Chương trình kiên cố hóa (KCH) kênh mương tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 với mục tiêu là Kiên cố hoá kênh mương nhằm đảm bảo cho các cấp kênh chuyển đủ lưu lượng thiết kế, thực hiện việc kiên cố đồng bộ, tiết kiệm đất xây dựng, giảm chi phí quản lý khai thác và kéo dài tuổi thọ công trình. Nâng cao năng lực và mở rộng diện tích tưới của các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giảm nhẹ ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai; cải thiện môi trường, đồng ruộng; giúp dân chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hạ tầng nông nghiệp nông thôn ngày càng được cải thiện.
Trong đó kênh loại III là kênh nội đồng, trực tiếp đưa nước đến mặt ruộng do nhà nước và nhân dân cùng làm với chiều dài còn lại chưa được KCH là 603km với tổng vốn đầu tư là 588.000 triệu đồng. Đề án đã đưa ra chính sách huy động vốn cho kênh loại III là ngân sách tỉnh và vốn vay ứu đãi hỗ trợ 50%, nhân dân đống góp 50% đối với khu vực đồng bằng. Đối với khu vực miền núi (huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông) làngân sách Tỉnh và vốn vay ưu đãi đầu tư 80%, nhân dân đóng góp 20%.Các xã đặc biệt khó khăn làvốn ngân sách nhà nước 95%, nhân dân đóng góp 5%.Việc quy định tỷ lệ huy động từ các nguồn vốn như trên cho thấy vai trò của nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong việc thực hiện chương trình KCH kênh mương là rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông thôn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam đang có nhiều thay đổi (do quá trình thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nói chung và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng).
Sau khi Nghị Quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 được HĐND tỉnh thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt ban hành được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý để thực hiện Đề án đầy đủ, rõ ràng, thuận lợi trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Việc đầu tư KCH kênh mương sẽ nâng cao mức bảo đảm tưới, tiêu chủ động, đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện tổng thể giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện từng năm nhằm chủ động kinh phí đối ứng để thực hiện,trong đó chú trọng đến nguồn vốn huy động từ người dân.
Mặc dù nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh trong 2 năm 2016, 2017 không có, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác, đến hết năm 2017, kết quả thực hiện kênh loại III được 86,14km, với kinh phí là 21.249 triệu đồng, trong đó người dân đống góp 4.749 triệu đồng.
Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự đống góp của nhân dân bằng nhiều hình thức như: Các xã đồng bằngcăn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương, vận động nhân dân góp vốn, ngày công, vật tư vật liệu, hiến đất...; thống nhất phương thức đóng góp thông qua họp dân và lập Biên bản họp dân.Các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn khuyến khích, động viên nhân dân tự nguyện đóng góp ngày công để thực hiện KCH kênh mương.Các hình thức huy động nguồn đóng góp của nhân dân: Bằng tiền (Việt Nam đồng và ngoại tệ nếu có), ngày công lao động, nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, hiến đất do công trình chiếm chỗ và vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp.Trường hợp nguồn vốn đóng góp của nhân dân là nguyên vật liệu hoặc ngày công lao động thì được quy đổi thành tiền theo đơn giá trong dự toán được duyệt để thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định.
Vài trò dân chủ cơ sở trong việc huy động sự đống góp của người dân trong việc thực hiện KCH kênh mương luôn luôn được chú trọng. Căn cứ danh mục, công trình được phê duyệt trong Đề án; công trình do xã nào quản lý thì UBND xã đó có trách nhiệm thông báo cho nhân dân trong xã biết. Phương thức thông báo thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở ý kiến tham gia của nhân dân trong xã được ghi trong biên bản họp dân và khả năng huy động các nguồn lực của địa phương, UBND xã xây dựng kế hoạch KCH kênh mương trên địa bàn xã, trình HĐND xã quyết định và chỉ đạo tổ chức thực hiện. HĐND xã, UBND xã có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã; bảo đảm cho nhân dân vùng hưởng lợi của công trình thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ tham gia đóng góp nguồn vốn, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, việc KCH kênh mương thực hiện đồng thời với chương trình bê tông giao thông nông thôn, KCH trường học, mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và một số chương trình khác cần vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc huy động đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đóng góp của dân cho KCH kênh mương sẽ gặp nhiều khó khăn.Việc lồng ghép các nguồn vốn để KCH kênh mương chưa được kết hợp chặt chẽ ở một số địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ KCH hệ thống kênh mương trong tỉnh còn thấp. Sau lũ lụt phần kênh đất bị hư hỏng ngày càng gia tăng mức độ nên chi phí KCH ngày một tăng cao...Việc khảo sát, thiết kế một số tuyến kênh chưa tỉ mỉ, chi tiết, chưa sát với thực tế, nhất là thiết kế một số số tuyến kênh chưa phù hợp với điều kiện miền núi, thậm chí thiết kế tuỳ tiện, dẫn đến lãng phí hoặc không đảm bảo an toàn. Quá trình thi công, nguồn vốn được bố trí chưa kịp thời, gây khó khăn rất lớn cho việc đảm bảo tiến độ công trình. Giai đoạn đầu thực hiện KCHKM, do thực hiện chủ trương kích cần sử dụng vật liệu tại địa phương, nên một số loại nguyên liệu khai thác tại chỗ không phù hợp với việc xây dựng kênh mương, dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo...
Để thực hiện tốt kế hoạch KCH kênh mương, thiết nghĩ, các địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp liên quan. Ngay từ bây giờ, cần củng cố ngay Ban quản lý xây dựng, Ban Giám sát cộng đồng ở xã, tiến hành rà soát, lựa chọn danh mục đầu tư, chủ động lập kế hoạch xây dựng gắn với quy hoạch và phù hợp với đề án đã ban hành, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương. Bên cạnh đó, huy động tốt sự đóng góp của nhân dân và cần công khai tất cả các nguồn vốn đóng góp thực hiện KCH kênh mương rộng rãi.... Với chức năng của cơ quan chuyên môn, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cần tăng cường vịêc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiệm thu quyết toán các công trình đúng tiến độ và trước mùa mưa bão hàng năm. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn về công tác lập hồ sơ, các quy trình kỹ thuật về thi công, nghiệm thu...
Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tăng cường công tác lãnh chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; UBMTTQ, các đoàn thể ở huyện và cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền về chủ trương, chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chương trình KCH kênh mương để nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện trong thời gian đến.../.
Nguyễn Đăng Trình - Chi cục Thủy lợi Quảng Trị
|