ĐẨY MẠNH HƠN NỮA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày tạo: 04/12/2017
Lượt xem: 640
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cộng đồng cư dân nông thôn ở 117 xã trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua 6 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo và ngày càng có thêm nhiều xã đạt chuẩn. Tuy nhiên để chương trình này có sức lan tỏa rộng, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh và các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ và các xã cũng đã có sự chủ động, tích cực tìm các biện pháp để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Điển hình như ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, sau khi đạt 17 tiêu chí, xã đã đề ra mục tiêu sớm hoàn thành 2 tiêu chí còn lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Cảnh Tường, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Đông cho hay: Đối với tiêu chí giao thông, xã tranh thủ thêm các nguồn lực, nhất là huy động sự đóng góp của con em xa quê hương và thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để bê tông hóa các trục đường thôn, ngõ xóm. Riêng để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, Triệu Đông gặp không ít khó khăn vì là địa phương thuần nông, đất chật, người đông nhưng từ đầu năm đến nay, xã đã tích cực chỉ đạo tìm các biện pháp hỗ trợ cho người dân phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở mang ngành nghề, dịch vụ, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, các HTX đã chú trọng thâm canh cây lúa, xây dựng cánh đồng lớn và tạo điều kiện cũng như khuyến khích người dân tận dụng đất màu, đất vườn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trồng các loại rau màu thực phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cũng như xây dựng các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thâm canh hồ tiêu ở Gio Linh
Đối với tỉnh Quảng Trị, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm thấp, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn và nguồn lực trong dân hạn chế nhưng với quyết tâm trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân nên đến cuối năm 2016 đã có 31/117 xã đạt chuẩn. Nét đáng chú ý là qua 6 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, từng bước xác định rõ mình là chủ thể, đã tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất, hiến kế, chỉnh trang nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng xây dựng nông thôn mới hơn 8 nghìn tỷ đồng, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trong giai đoạn 2011 - 2016 hơn 30 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện các hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế và nâng cao năng lực một số lĩnh vực về văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) hỗ trợ cho 7 xã với kinh phí 11,3 triệu USD.
Năm 2017, với mục tiêu đề ra, toàn tỉnh có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư gần 2300 tỷ đồng và chỉ đạo các Ngân hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất để phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp, các ngành có các biện pháp, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhất là đối với vùng biển, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cùng với củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng các mô hình công nghệ cao, nông nghiệp sạch, khuyến khích các HTX và người dân tích tụ ruộng đất, chuyển dần hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cũng như đầu tư phát triển chăn nuôi có quy mô lớn, nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Quá trình triển khai, tỉnh chỉ đạo ưu tiên có các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng biển, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng nông thôn mới là cả 1 quá trình lâu dài, do đó tỉnh Quảng Trị xây dựng lộ trình cụ thể hàng năm và phấn đấu đến năm 2020 có 40 đến 50% số xã và có 1 đến 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không nóng vội, không chạy theo thành tích, nhất là tuyệt đối không được huy động quá sức dân, không nợ tiêu chí, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời thực hiện công tác đánh giá, thẩm tra và thẩm định xã công nhận đạt chuẩn đúng quy trình, khách quan, kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng. Đối với những xã đã đạt chuẩn cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí,, trong đó chọn lựa 1 số nơi để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và 2-3 khu dân cư kiểu mẫu.
Bài & ảnh: Bá Thuần - Đài PTTH
|