MÔ HÌNH CHĂN NUÔI LỢN KHÔNG “MẤT GIÁ”
Ngày tạo: 10/11/2017
Lượt xem: 718
Từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi cả nước liên tục lao dốc và chạm đáy làm nhiều hộ chăn nuôi lao đao vì thua lỗ. Hiện giá lợn hơi chỉ còn khoảng trên dưới 30 nghìn đồng/kg, với trình trạng này, này khiến nhiều hộ chăn nuôi sống trong cảnh lo âu khi bán không ai mua mà nuôi tiếp thì càng gặp khó khăn hơn. Do vậy, việc tìm ra những giải pháp mới để chăn nuôi hiệu quả hơn đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Đối với huyện Cam Lộ cũng như tỉnh Quảng Trị thì chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn đang là hình thức phổ biến, chủ yếu là chăn nuôi truyền thống vì phù hợp với năng lực kinh tế hộ gia đình nông thôn do chi phí đầu tư thấp; thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp…
Nhiều hộ nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp (nuôi công nghiệp), sau nhiều phen thua lỗ đã chuyển sang nuôi truyền thống (tận dụng thức ăn dư thừa, phụ phẩm nông nghiệp), mà người ta thường gọi là “lợn sạch”. Việc chăn nuôi theo phương thức truyền thống tức là cho ăn cám gạo, ngô, bã rượu, rau -bèo, rau khoai nấu chín... Nhiều hộ gia đình thay vì nuôi nhốt hoàn toàn thì kết hợp thêm hình thức thả rông trong vườn, đồi (mỗi ngày thả từ 4-6 tiếng). Với thời gian nuôi dài, từ 7-8 tháng đặc biệt là lợn không cho ăn thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc và kháng sinh, chăn thả trên bãi đất rộng, nên chất lượng thịt lợn thơm ngon đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, một số bà con còn mạnh dạn chuyển từ nuôi lợn trắng lai sang nuôi lợn đen. Mặc dù thịt lợn đen nhiều mỡ, nhưng thơm ngon và an toàn. Khi xào nấu thì thịt lợn đen rất săn chắc không bõng nước như lợn nuôi thức ăn công nghiệp do đó được người tiêu dùng tin tưởng và chọn lựa. Sản phẩm thịt “lợn sạch” được tin dùng do đó giá thịt lợn hơi vẫn duy trì được trên 38 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn xẻ đảm bảo được từ 65-75 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp với người chăn nuôi thì nhận được những lời tâm sự rất sâu sắc và ý nghĩa. “Tôi là một người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, lấy công làm lãi cũng như bao người khác. Ước mơ của chúng tôi rất đơn giản là có được một ít lợi nhuận, mặt khác có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho xã hội. Chúng tôi không muốn bỏ trống chuồng trại”.
Đối với những người chăn nuôi thì đây chỉ là phương thức được áp dụng trong cơn bão giá để giúp họ duy trì được nghề nghiệp của mình chứ không phải là giải pháp lâu dài. Trong tương lai với tâm huyết đối với nghề chăn nuôi họ vẫn muốn được phát triển theo những hình thức nuôi tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Họ mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan để có sự liên kết bền vững tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp họ có những bước phát triển vững chắc. Bản thân họ hiểu được rằng để phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, giữ vững giá cả thị trường... thì hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ không phải là giải pháp tối ưu mà điều quan trọng đó là phải phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong thời gian qua các trang trại chăn nuôi, các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ chăn nuôi quy mô lớn và quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia phong trào "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi", đồng thời ký cam kết không tàng trữ, mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thực hành chăn nuôi an toàn vì an sinh xã hội và sức khỏe cộng đồng. Giữ vững được uy tín, thương hiệu "hàng Việt", "thực phẩm sạch", "thực phẩm an toàn" được người tiêu dùng "ưu tiên" sử dụng. Bên cạnh đó việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi như đệm lót sinh học hạn chế mùi hôi cho môi trường xung quanh, tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ... có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi bền vững.
Thiết nghĩ để duy trì, phát triển được nghề chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung thì Đảng, Nhà nước và các ban ngành có liên quan cần phải có nhiều hơn nữa những chính sách hiệu quả mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi.
Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trạm CN - TY huyện Cam Lộ
|