PHÁT TRIỂN NUÔI ONG LẤY MẬT Ở HẢI LỆ
Ngày tạo: 01/09/2017
Lượt xem: 696
Những năm gần đây, phong trào nuôi ong lấy mật ở xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời trực tiếp góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên của địa phương.
Đến thăm trại nuôi ong của anh Nguyễn Hữu Quân ở tại thôn Tân Mỹ - xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị chúng tôi không khỏi khâm phục quy mô cũng như cách sắp xếp hợp lý. Nằm giữa rừng tràm xanh mát là 2 dãy lán dài, bên dưới mỗi lán xếp ngay ngắn 2 dãy thùng nuôi ong với quy mô gần 150 thùng. Trao đổi với chúng tôi anh Quân cho biết: Là một thanh niên trẻ, khác với nhiều người thích bôn ba lập nghiệp ở các thành phố lớn, anh lại xác định phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cơ duyên đến anh vào năm 2012 khi đang là công nhân của Nhà máy gỗ dăm Ái Tử. Thời điểm này có một số chủ ong nuôi ong di cư từ miền Nam ra tìm đến xã Hải Lệ mượn rừng để nuôi ong lấy. Với bản tính tò mò, ham học hỏi những cái mới anh đã nghỉ việc và xin vào làm phụ cho các chủ ong này để học tập kinh nghiệm. Sau gần 1 năm phụ việc anh đã học được nghề nuôi ong khá thành thạo. Được chủ ong cho lại 8 đàn ong mật anh đã tích cực chăm sóc, chia đàn. Đến nay từ 8 đàn ong ban đầu anh đã có trong tay 150 đàn ong mật,hàng năm mang về cho anh gần 15 tấn mật ong nguyên chất.

Anh Quân đang kiểm tra ong
Theo anh Quân việc nuôi và chăm sóc ong khá đơn giản, chi phí đầu tư cũng khá thấp, chủ yếu là chi phí mua đàn ong giống ban đầu. Mỗi thùng ong được bố trí từ 4-5 cầu ong để ong làm tổ.Tùy vào thời tiết nhưng bình quân 10 - 15 ngày thu hoạch mật ong 1 lần. Mỗi lần quay mật một đàn ong cho từ 4 - 5 kg mật. Mật ong thu được chủ yếu được bán cho Công ty thu mua ở miền Nam để làm thực phẩm với giá từ 17.000 - 37.000 đồng/kg. “Do thời tiết ở mình có 2 mùa rõ rệt nên tôi chỉ thu mật được trong 6 - 8 tháng mùa nắng, còn mùa mưa chủ yếu là chăm sóc, giữ ấm cho ong. Nhưng trừ chi phí rồi thì tính ra mỗi năm tôi cũng thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng từ đàn ong của mình”, anh Quân chia sẽ.
Ông Đào Ngọc Hoàng - Cán bộ khuyến nông xã Hải Lệ cho biết: Là xã có diện tích đất đồi rừng khá lớn. Chủ động khai thác điều kiện thuận lợi đó, nhiều hộ nông dân ở xã Hải Lệ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ chỗ lúc đầu chỉ một vài hộ dân chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ, sản phẩm chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình, đến nay Hải Lệ đã có hàng chục hộ tham gia nuôi ong mật, trong đó nhiều hộ nuôi với quy mô lớn từ 50 - 150 đàn. Với nguồn thu nhập từ nuôi ong đã giúp nhiều hộ nơi đây thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn đang góp phần bảo đảm ổn định sinh thái, bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Có thể nói mô hình nuôi ong mật thời gian qua đã và đang là một trong những hình thức phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh sự mạnh dạn đầu tư của người dân, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương sẽ là cơ sở để các mô hình nuôi ong được tiếp tục nhân rộng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Bài & ảnh: Nguyễn Khắc Mạnh - Trạm Khuyến nông thị xã Quảng Trị
|