CÒNG GIÓ!
Ngày tạo: 01/09/2017
Lượt xem: 702
Từ năm lên ba, tôi thường được mẹ cho ra biển trong cái thúng mẹ gánh một đầu và một đầu kia là phần cơm mẹ bới cho ba trong những lần ba đi “Bủa xăm” hay “đi lái rủ” sớm. Rồi khi học lên lớp 4, tôi bắt đầu xin ba cho đi biển với nhiệm vụ “tát nước” hay “lượm cá” cho vào rổ khi Ba và Bác tôi thu lưới. Tôi nhớ những ngày mùa Đông lạnh nhà thiếu món kho, tôi theo ba đi “đào còng” để cải thiện với những món “còng kho”, “còng chiên” rất ngon. Mỗi độ hè về trời nắng như đổ lửa, nếu được ngâm mình trong nước biển và ngắm những chú “còng gió” chạy thoăn thoắt trên bãi cát thì không có gì bằng.
Chiều nay, tôi đưa hai con ra biển tắm, nhìn con tung tăng với dòng nước mát và tiếng ồn ào của đám trẻ làm dậy cả một khúc biển. Nhưng tôi cảm thấy buồn vì loài còng gió gắn liền với tuổi thơ tôi giờ chỉ còn thưa thớt vài con.
Còng gió có tên khoa học là Ocypode ceratophthalma thuộc họ Ocypodidae, người ta gọi chúng là còng gió vì đây là loại còng chạy nhanh như gió.
Còng gió ở Quảng Trị là loài giáp xác nhỏ có kích thước bằng ngón chân cái, với đặc điểm chạy rất nhanh nhờ tám cái chân cao lêu nghêu. Da còng gió có màu trắng hơi vàng, điệp với màu cát nên khiến còng khó phát hiện, dễ lẫn trốn trên cát. Còng gió có thân hình nhỏ, nhưng đôi càng của còng gió lại là vũ khí hết sức đáng sợ, càng nó rất khỏe, mép càng sắc như dao. Khi có tiếng động còng chạy trốn vào hang hoặc chạy ra trẩm mình vào dòng nước biển rồi dấu mình xuống cát biển để xóa dấu vết.
Còng gió đào hang sâu trong cát biển, hang còng đào ngoắt ngoéo trong lòng cát có khi kéo dài hàng thước. Còng to khôn ngoan nên không đào hang theo đường thẳng mà thường là đột ngột ngoặt rẽ chữ y. Khi bị bắt có con còn ranh ma giả chết, buông rũ ngoẹo càng, nhưng hễ được đặt xuống cát là còng thoắt vùng dậy, chạy biến mất. Còng gió sau khi bị bắt rất mau chết nên khó vận chuyển đi xa được.
Còng gió giao phối với nhau như các loài giáp xác khác, chúng đẻ trứng và mang theo ở yếm bụng của con cái, sau khi nở thành con cứng cáp thì còng mẹ tập cho còng con bắt mồi, rồi tự đào hang sống độc lập.
Còng gió thường ăn các loại phù du trong sóng biển hoặc các loại hải sản chết trên bờ biển. Còng rất nhát nên chủ yếu kiếm ăn vào ban đêm, khi trời nhập nhoạng tối là còng rời hang và hành trình kiếm ăn ở vùng cát chân sóng.
Những món ăn ngon được chế biến từ còng gió: Còng chiên bột, còng rang nước mắm, còng nướng, còng xào sả ớt là những món khoái khẩu, nhất là dùng làm mồi nhậu. Còng kho mặn và lấy nước chấm rau, còng nấu cháo, thịt còng trắng thơm ngon, có vị mằn mặn của biển.
Nguyên nhân làm cho loài còng gió giảm đi rất nhanh là do:
Người dân khai thác còng gió quá mức với nhiều cách khác nhau như: “Chạy còng” là dùng lưới để vây bắt khi trời tối, đây là cách thông dụng nhất; “Đào còng” là dùng cuốc đào hang còng vào buổi sáng sớm khi đó đào hang rất cạn, vì loài còng gió có tập tính mỗi sáng sớm chúng thường đào hang mới để thay đổi chổ ở hoặc tu sửa lại hang cũ; Một số người dùng đèn pin để rọi và đòi bắt còng; Các hoạt động sinh hoạt của con người làm ảnh hưởng đến môi trường sống của còng; Người dân chưa chú ý bảo vệ loài còng.
Do biến đổi khí hậu dẫn đến môi trường sống của còng gió bị ảnh hưởng. Nguồn thức ăn của còng là các loại động vật phù du ven chân sóng giảm dần. Mùa hè nóng hơn làm cho tỷ lệ sống của còng con giảm, mùa đông nhiều mưa bão làm cho còng bị mắc kẹt trong hang khó kiếm thức ăn. Bãi cát của biển thu hẹp dần do nước biển dâng cao dần hàng năm.
Tôi cũng không biết phải làm sao để bảo vệ loài còng gió ngày càng thưa dần trên vùng biển Quảng Trị. Rồi sau này người dân quê tôi có ai còn hát ru con: “Dã tràng xe cát biển Đông, xe bao nhiêu cát nhọc công dã tràng”, “Sáng lên trên núi đốt than, chiều về xuống biển đào hang bắt còng”.
Hải Âu
|