NGƯỜI TIÊN PHONG NUÔI CÁ DIÊU HỒNG TRONG LỒNG BÈ
Ngày tạo: 21/03/2017
Lượt xem: 790
Nhận thấy điều kiện tự nhiên của hồ chứa nước Bảo Đài (huyện Vĩnh Linh) rất phù hợp với con cá diêu hồng. Đầu năm 2016, anh Hồ Ngọc Tâm ở tại Thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 40 lồng nuôi với quy mô gần 1.500m2. Đến nay sau gần 1 năm đi vào hoạt động, mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế hết sức khả quan.
Hiệu quả bước đầu
Có mặt tại đập dâng của hồ chứa nước Bảo Đài, chúng tôi thấy khoảng 40 lồng cá nằm tập trung thành 3 dãy. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá của mình, anh Hồ Ngọc Tâm cho biết, đầu năm 2016 anh đã thuê lại gần 1 ha mặt nước và đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 40 lồng nuôi cá trên trên hồ chứa nước Bảo Đài. Mỗi ô lồng anh thả nuôi gần 5.000 con cá diêu hồng. Sau hơn 7 tháng nuôi, cá diêu hồng đã cho trọng lượng từ 0,5 - 1 kg mỗi con. Đến nay, anh đã xuất bán lứa đầu tiên, mỗi ô lồng đạt sản lượng từ 2 – 2,5 tấn cá thịt, hiệu quả bằng nuôi 2.000 – 3.000 m2 ao đầm. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí mỗi ô lồng mang lại lợi nhuận từ 5 – 10 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi anh Tâm cho biết, mỗi ô lồng có diện tích 36 m2, sâu 4 m và được giữ bằng hệ thống phao nổi. Cá giống được lấy trực tiếp từ miền Nam ra. Mật độ nuôi từ 120 – 150 con/m2 là phù hợp. Theo anh Tâm đầu tiên anh chọn đối tượng nuôi chủ yếu là cá diêu hồng. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, được thị trường hết sức ưa chuộng. Để tăng hiệu quả nuôi anh đầu tư theo quy trình khép kín, cá giống đưa về được anh đưa vào lồng ương nhằm giúp cá quen với môi trường nước, vừa thuận tiện cho việc chọn lọc cá cùng kích cỡ, khỏe mạnh trước khi đưa vào lồng nuôi thương phẩm. “Làm như vậy giúp cho cá giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, rút ngắn được thời gian nuôi thương phẩm, hạn chế được tối đa dịch bệnh… Ngoài ra cách làm này còn giúp tôi bố trí được thời vụ hợp lý nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, trong 1 năm có thể có nhiều lứa bán, thời điểm nào cũng cần có cá để cung ứng cho khách hàng”, anh Tâm cho biết.
Nói về kinh nghiệm nuôi cá diêu hồng trong lồng anh Tâm chia sẽ, cá diêu hồng sinh trưởng tốt hơn vào mùa nắng. Tuy nhiên vào những thời điểm nắng nóng gay gắt thì cá cũng có hiện tượng nổi đầu và bị một số bệnh như thối mang, xuất huyết. Khi đó chúng ta cần phải san thưa cá ra đồng thời đầu tư thêm hệ thống sục khí để cung cấp thêm ô xy cho cá. Để cá nhanh lớn thì cần chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, ở mô hình của mình anh Tâm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ Thái Lan. Theo anh Tâm đây là loại thức ăn có chất lượng ổn định, giúp thịt cá thơm ngon, có chất lượng tốt. Ngoài ra anh còn sử dụng nguồn cá tạp do người dân khai thác từ lòng hồ làm nguồn thức ăn bổ sung, nhằm giảm chi phí đầu tư thức ăn mà lại giúp cá tăng trưởng và phát triển tốt. Cho cá ăn 2 lần/ngày, xung quanh lồng nuôi có lưới che chắn kỹ để tránh thất thoát thức ăn ra bên ngoài.
Còn không ít khó khăn
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn khi nuôi cá diêu hồng trong lồng anh Tâm cho biết, Nuôi cá lồng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Để đóng mới một lồng cá với khung được làm bằng sắt mạ kẽm chống rỉ, phao nâng bằng thùng phuy nhựa, lưới cước bao quanh chi phí không dưới 25 triệu đồng. Chưa kể tiền cá giống, thuốc phòng chống dịch bệnh, lương nhân công… Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất của người nuôi cá lồng chính là thức ăn cho cá. Trung bình mỗi ngày, một lồng cá tiêu thụ từ 2 - 3 bao thức ăn công nghiệp, mỗi bao trên 300.000 đồng. Do vậy chỉ dựa vào nguồn vốn của gia đình thì không đủ, để duy trì hoạt động anh phải vay thêm nguồn vốn của ngân hàng. Về kỹ thuật nuôi, do đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh nên anh chỉ biết mày mò học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những tỉnh khác. Do còn hạn chế về kỹ thuật và kinh nghiệm nên đợt rét vừa qua, do mưa lạnh kéo dài đã làm cá chậm lớn, chết rải rác do dịch bệnh.
Nuôi đã khó khăn, đến lúc xuất bán lại còn khó khăn hơn. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá diêu hồng anh Tâm cho biết: “Hiện tôi còn có 4 lồng cá diêu hồng đã đạt kích cỡ thương phẩm, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,8 – 1,5 kg, ước tính sản lượng từ 8 – 9 tấn nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra. Nuôi với số lượng lớn nhưng hiện mỗi ngày tôi chỉ xuất bán được từ 40 – 50 kg cho thương lái. Cá đến lứa không xuất bán được, mỗi ngày tiêu thụ một lượng thức ăn không nhỏ. Để có tiền đầu tư tôi đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi”.
Nói về những kế hoạch phát triển trong tương lai, anh Tâm cho biết, hiện anh đang thả nuôi thử nghiệm 1 ô lồng giống cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp. Trong thời gian tới để đa dạng đối tượng nuôi anh dự định thả thêm các đối tượng nuôi khác như cá lóc, cá trê lai… Tuy nhiên khó khăn nhất của anh hiện nay là nguồn vốn và vấn đề đầu ra. “Với hệ thống các hồ chứa nước lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh, đây chính là tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá lồng. Tuy nhiên do chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến hay xuất khẩu nên đầu ra rất khó khăn. Chưa kể hiện nay nguồn cá giống chủ yếu được lấy từ miền Nam ra nên chi phí phát sinh cao. Để khai thác hiệu quả tiềm năng cá lồng, tôi mong muốn có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về vốn, kỹ thuật. Đặc biệt cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra thị trường ổn định”, anh Tâm chia sẽ.
Bài & ảnh: Thục Quyên
|