ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GẮN VỚI MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày tạo: 16/01/2017
Lượt xem: 716
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn liền với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người dân nông thôn.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị kết hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội, chi cục Phát triển nông thôn, tổ chức triển khai 6 lớp đào tạo nghề cho 158 lao động nông thôn trong đó có 92 lao động nữ, với 5 nghề nông nghiệp: kỹ thuật nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà (triển khai ở huyện Gio Linh và Triệu Phong); kỹ thuật trồng và chăm sóc ném (triển khai ở huyện Cam Lộ); kỹ thuật nuôi cá nước ngọt (triển khai ở huyện Hải Lăng); Kỹ thuật trồng chăm sóc hồ tiêu (triển khai huyện Hướng Hóa) và kỹ thuật sản xuất nước mắm (triển khai ở huyện Vĩnh Linh). Biết được tầm quan trọng như vậy, ban lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo và điều hành sát sao công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cũng như công tác theo dõi giám sát các hoạt động đào tạo ở các lớp nghề. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phối hợp với các Tổ chức đoàn thể cấp huyện, Lãnh đạo và các Ban nghành chức năng của các địa phương để triển khai sao cho hiệu quả mang lại cao nhất, như phối kết hợp với Liên đoàn lao động huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ; Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, hội phụ nữ xã Gio Phong, hội nông dân xã Triệu Thành.
Đây là những lớp dạy nghề với trình độ đào tạo dạy nghề sơ cấp, thời gian đào tạo từ 01 - 03 tháng. Cán bộ phụ trách đào tạo nghề là những kỹ sư, thạc sỹ phụ trách ở các mãng kỹ thuật của trung tâm, có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tổ chức và đứng lớp ở các lớp tập huấn, thành thạo trong việc hướng dẫn bà con xây dựng mô hình. Thông qua những mô hình điểm đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các học viên là những người lao động ở nông thôn, nâng cao trình độ kiến thức về sản xuất nông nghiệp như: cách chọn giống cây trồng vật nuôi, chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh... Bên cạnh đấy, một số lớp học trang bị cho các học viên một số nghề mới, kỷ thuật mới như: kỷ thuật đắp lù trong lớp học kỷ thuật sản xuất nước mắm, kỷ thuật nuôi giun quế từ đó họ sẽ tự ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của nông hộ, phù hợp với địa phương để khai thác nguồn tài nguyên một cách hợp lý, nhằm tăng năng suất và hiệu quả lao động. Từ các mô hình đào tạo nghề, với việc trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cụ thể tại các buổi học thưc hành trên mô hình điểm làm giáo cụ trực quan, người học đã biết vận dụng vào thực tế sản xuất ở gia đình mình. Như mô hình trồng ném ở Cam Lộ đã có 15/23 hộ đã vận dụng và nhân rộng mô hình có hiệu quả; mô hình nuôi giun quế kết hợp nuôi gà tại Gio Linh có 9/25 và tại Triệu Phong có 7/25 hộ đã đầu tư con giống, chuồng trại để nhân rộng mô hình. Đặc biệt mô hình trồng cây hồ tiêu ở lớp nghề tại Hướng Hóa đã có 100% hộ vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất tại mô hình trồng tiêu tại gia đình mình. Tiếp xúc với chúng tôi chị Nguyễn Thị Nga thôn Lễ Môn xã Gio Phong học viên lớp nghề kỹ thuật nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà cho biết “nhờ tham gia lớp học nghề mà tôi biết thêm kỷ thuật nuôi giun quế, đây là kiến thức mới, rất hay và thiết thực với người nông dân chúng tôi, tôi sẽ phát triển nuôi giun quế để tạo nguồn thức ăn cho đàn gà và đàn vịt của gia đình”. Anh Lê Minh Tưởng ở thôn Trà Lộc xã Hải Xuân một học viên khác tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt cho biết: "Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, tôi được học một cách bài bản, nhờ tham gia lớp học giúp tôi không chỉ hiểu bao quát về quy trình nuôi cá mà còn giúp tôi hiểu sâu cách chăm sóc từng giai đoạn nuôi, từ xữ lý ao hồ đến thu hoạch"
Thông qua đào tạo nghề, nông dân đã thực sự làm chủ được kỹ thuật, tự chủ được tay nghề. Có thể nói, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã thu được kết quả khả quan, đã giúp bà con nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật để sau này đưa vào áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Với mục đích đưa lao động nông thôn đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất của thôn, xã, từ đó đời sống của bà con không ngừng tăng lên, giúp họ ổn định cuộc sống để cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Phan Việt Toàn - TTKNQT
|