TRỒNG ĐẬU XANH TRÊN ĐẤT LÚA THIẾU NƯỚC MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO
Ngày tạo: 12/09/2016
Lượt xem: 806
Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang gieo trồng một số cây trồng cạn có khả năng chịu hạn, vụ Hè Thu 2016, Trạm Khuyến nông huyện Gio Linh đã triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng đậu xanh tại HTX Gia Môn (huyện Gio Phong) và đã mang lại những kết quả bước đầu hết sức khả quan.
Ông Trần Đình Xoài ở tại HTX Gia Môn (xã Gio Phong) 2 sào đất trồng lúa, tuy nhiên do thiếu nước tưới nên hàng năm chỉ sản xuất được vụ Đông Xuân còn vụ Hè Thu thì bỏ hoang hoặc gieo vãi lúa dưới dạng “nhờ trời” năm nào thời tiết thuận lợi thì thu được vài chục cân, có năm mất trắng. Vụ Hè Thu 2016 này, ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cây đậu xanh trên toàn bộ diện tích đất ruộng của mình. Đến nay sau gần 2 tháng gieo trồng ông đã thu hoạch được lứa đầu tiên, năng suất ước đạt gần 10 kg/sào. Theo ông Xoài, với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì với 2 sào trồng đậu xanh này ông sẽ thu hái được từ 5 – 6 đợt, dự kiến thu về khoảng 160 - 180 kg, với giá bán hiện nay từ 35 – 40 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí ông thu được gần 4 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi ông Xoài cho biết: Trên chính mảnh ruộng này trong vụ Đông Xuân có đầy đủ nước tưới thì năng suất cũng chỉ đạt từ 1 – 1,5 tạ/sào, tính ra thu nhập không được bao nhiêu do chi phí cày bừa, làm đất, giống, chăm bón… quá nhiều. Trong khi trồng đậu xanh thì nhàn hơn rất nhiều, chỉ tốn công làm đất và lên luống ban đầu. Về phân bón mỗi sào ông chỉ dùng 1 tạ phân chuồng, 20 kg phân NPK, 5 kg phân kali cộng thêm 2 lần phun phân bón lá, đặc biệt là trong quá trình gieo trồng không hề sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cả.
Được biết, mô hình chuyển đổi trồng đậu xanh trên đất lúa thiếu nước được triển khai trên diện tích 4 ha với 35 hộ tham gia, sử dụng giống đậu xanh ĐX 208. Tham gia thực hiện mô hình các hộ nông dân được Trạm khuyến nông hỗ trợ 100% giống đậu xanh, 30% vật tư nông nghiệp cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch. Ông Trần Xuân Lộc – Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Gio Linh cho biết: Vụ Hè Thu năm nay mặc dù thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài nhưng giống đậu xanh ĐX 208 đã cho thấy khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu, tỷ lệ này mầm đạt từ 85 – 90%, thời gian sinh trưởng ngắn (55 - 60 ngày); cây sinh trưởng và phát triển ổn định, chiều cao cây trung bình 45 – 50 cm, ra hoa khá tập trung, chín nhanh và chín đồng loạt, thuận lợi trong việc thu hoạch; phù hợp với canh tác trên những vùng thiếu nước tưới.
Hiện cây đậu xanh đang cho thu hoạch quả đợt 1, năng suất ước đạt 0,54 tạ/sào tương đương 10,8 tạ/ha. Được biết, sau khi thu hoạch đợt 1, đậu xanh tiếp tục ra hoa với tỷ lệ khá cao, với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì có thể thu hoạch thêm từ 4 – 5 đợt nữa, năng suất cả vụ dự kiến đạt 21 tạ/ha. Với giá bán đậu xanh hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi ròng ít nhất hơn 1,2 triệu đồng/sào. Bên cạnh đó trồng đậu xanh còn giúp cải tạo đất, thực hiện luân canh cây trồng giảm được sâu bệnh, giảm lượng nước tưới... Tuy nhiên ông Lộc cũng khuyến cáo: Cây đậu xanh mặc dù là loại cây dễ trồng nhưng để thu được năng suất cao thì người dân cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như khi thu hoạch lúa Đông Xuân xong cần tranh thủ cày, làm đất ngay khi đất đang còn đủ độ ẩm. Trước khi gieo thì cần phải lên luống để thuận tiện cho việc giữ ẩm cũng như thoát nước do cây đậu xanh có khả năng chịu hạn tốt nhưng lại rất dễ chết do ngập úng.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình này ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch UBND xã Gio Phong đánh giá cao sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình, “bắt tay chỉ việc” về kỹ thuật cho bà con nông dân. Ông Út cho biết: Những năm trước, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng các cây trồng cạn của huyện, UBND xã cũng đã vận động bà con nông dân trồng cây đậu xanh trên diện tích này tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật, người dân chỉ cày đất rồi gieo vãi đậu xanh như gieo lúa, thiếu sự đầu tư thâm canh nên hiệu quả mang lại không cao. Hiện trên địa bàn xã Gio Phong còn gần 20 ha đất lúa thiếu nước bỏ hoang trong vụ Hè Thu, trở thành nơi trú ẩn của chuột bọ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân. Vì vậy từ thành công của mô hình trồng đậu xanh này trong những năm tới UBND xã sẽ có kế hoạch hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ra toàn xã.
Theo phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh – Trần Cẩn: Mô hình sản xuất đậu xanh trên đất lúa thiếu nước do Trạm Khuyến nông huyện Gio Linh thực hiện đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa trên cùng chất đất. Cụ thể: Cây đậu xanh phát triển tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, độ an toàn cao trong khi gieo lúa chủ yếu nhờ vào may rủi trông chờ vào nước mưa nên mức độ an toàn thấp, thực tế là nhiều năm mất trắng dẫn đến bỏ hoang làm lãng phí đất đai. Trên cơ sở mô hình này, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ có kế hoạch nhân rộng ra toàn tỉnh theo quy hoạch chuyển đổi cây trồng cạn góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Lê An- TTKNQT
|