TÌNH HÌNH ẠT LỠ BỜ SÔNG VÀ TIÊU THOÁT LŨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
Ngày tạo: 12/05/2016
Lượt xem: 814
1. Hệ thống sông ngòi:
Tỉnh Quảng Trị có 03 hệ thống sông chính đó là:
a. Hệ thống sông Bến Hải: Dòng chính bắt nguồn dãy núi Động Châu đổ ra cửa Tùng, tổng diện tích lưu vực Flv = 963,0 km2, chiều dài sông chính L = 64,5 km; độ dốc lòng sông chính J = 100/00. Sông Sa Lung (Bến Xe) là nhánh lớn nhất Flv = 357 km2, chiều dài L = 41,5 km
b. Hệ thống sông Thạch Hãn: Hệ thống sông Thạch Hãn bắt nguồn từ dãy núi Tây Trường Sơn, đổ ra cửa Việt; tổng diện tích lưu vực Flv = 2.800 km2; chiều dài lòng sông chính L = 156 km; độ dốc bình quân lòng sông chính J = 150/00 . Sông Hiếu là phụ lưu lớn nhất Flv= 465,5 km2, chiều dài L = 66,0 km
c. Hệ thống sông Ô Lâu: Sông Ô Lâu bắt nguồn từ vùng núi huyện A Lưới đổ ra cửa Lác, diện tích lưu vực 816 km2; chiều dài sông chính L= 65km; độ dốc bình quân J = 9 0/00 . Sông Thác Ma (sông Mỹ Chánh) là phụ lưu lớn nhất có Flv = 230 km2, chiều dài L=40km.
Sông Nhùng có diện tích lưu vực 113km2 đổ vào sông Vĩnh Định tại xã Hải Quy, một phần đổ ra sông Thạch Hãn, một phần đổ về Ô Lâu.
Ngoài các hệ thống sông chính, còn có sông Xê Pôn và Sê Băng Hiêng bắt nguồn từ vùng núi huyện Hướng Hóa đổ vào sông Mê Kông
Tổng diện tích lưu vực sông toàn tỉnh khoảng 4.610 km2. Lượng nước mặt hàng năm khoảng 9 tỷ m3 nhưng phân bố không đều theo các vùng địa hình và các mùa trong năm.
2. Tình trạng sạt lở bờ sông:
Quảng Trị có tổng lượng mưa bình quân năm từ: (2.400 - 2.700) mm nhưng lượng mưa phân bố không đều theo thời gian, tập trung chủ yếu trong các tháng 9 -12 chiếm tới 75 - 80% tổng lượng mưa cả năm, đây là thời kỳ thường xẩy ra bão, lũ lụt.
Do địa hình bề ngang hẹp, nghiêng từ Tây sang Đông nên các sông ngắn và dốc. Mật độ lưới sông tương đối dày 1,02km/km2 địa hình chia cắt mạnh. Do lớp thảm phủ thực vật trong lưu vực sông và ven bờ sông bị suy giảm, cùng với địa hình dốc nên khi có mưa lớn, nước trong sông lên rất nhanh gây ra cường suất lũ (trong một ngày lũ lên 3 - 4 m); vận tốc dòng chảy trong sông lớn gặp những đoạn bờ sông địa chất yếu, cùng với việc khai thác cát sạn làm suy giảm nguồn cát sạn gây ra sạt, trượt, xói lở.
Tuỳ theo địa chất từng đoạn sông nên tốc độ xói lở bờ khác nhau, nơi thấp nhất bị xói từ 1-3m/năm như các sông: Ô Lâu, Thác Ma, Nhùng; nơi cao nhất bị xói từ 3-5m/năm như các sông: Thạch Hãn, Bến Hải, Hiếu, tình hình xói lở trong những năm qua đã uy hiếp đến tính mạng, công trình cơ sở hạ tầng, di tích lịch sử văn hoá, đất đai sản xuất, một số nơi do mất đất thổ cư phải di dời như các thôn: Trung Yên, Tân Định (huyện Triệu Phong).
Để chống xói lở bờ sông, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định số: 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng chính phủ. Trình tự ưu tiên xử lý những đoạn bờ sông sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như: Hậu Kiên, Lập Thạch, Bách Lộc, Trung Yên, Trung Chỉ, Tân Đức, Đồng Giám, Phú Liêu, Gia Độ, Đông Thanh, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Gio Việt, Lương Điền…. với tổng chiều dài kè xây dựng được 44,688 km.
Tuy nhiên, do chưa xác định được hướng dòng chảy chủ lưu của sông nên biện pháp chỉnh trị chỉ mới dừng lại ở mức độ bảo vệ cục bộ cho từng đoạn bờ sông bị ảnh hưởng, việc chống sạt lở bờ sông thường bị động.
Các giải pháp bảo vệ bờ chưa được thực hiện đồng bộ trên từng hệ thống nên hiệu quả mang lại chưa cao (tình trạng chống sạt lở ở chổ này được bảo vệ thì lại xảy ra sạt lở bờ ở nơi khác)
3. Tình hình tiêu thoát lũ:
Ngoài các sông chính đổ ra biển, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có các sông đào: sông Cánh Hòm (nối sông Bến Hải với sông Thạch Hãn), sông Vĩnh Định (nối sông Thạch Hãn với sông Ô Lâu); các sông: Hồ Xá, Bến Tám, Hói Sòng, Mai Lĩnh, Ô Giang và một số trục tiêu: Vĩnh Giang, Tân Bích, Hà Thượng, Trung Sơn Tài tất cả tạo thành mạng lưới điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh giữa các vùng và đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát lũ. Tuy nhiên, do khẩu độ tiêu bị thu hẹp, khi mưa lớn không thoát kịp gây ngập lụt lâu ngày làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Sự ách tắc dòng chảy do các nguyên nhân: Đáy sông và trục tiêu bị phù sa bồi lấp; mặt sông cây cỏ, rong bèo mọc phủ kín; một số bãi bồi người dân be bờ bảo vệ sản xuất; đào hồ nuôi trồng thủy sản lấn chiếm bờ sông; không nạo vét trả lại khẩu độ cho lòng sông nên dòng chảy bị thu hẹp.
4. Kiến nghị:
Trong tình hình BĐKH ngày một diễn biến khó lường, việc chống sạt lở bờ sông, và tiêu thoát lũ nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân và cơ hạ tầng là rất cần thiết, muốn thực hiện hiệu quả cần phải:
- Xây dựng quy hoạch chỉnh lưu các lưu vực sông để xác định và quyết định dòng chủ lưu từ đó xây dựng các giải pháp chỉnh trị một cách bền vững và hiệu quả.
- Trong phương án chỉnh trị chống xói lở bờ sông, ngoài việc xây kè gia cố mái và mỏ hàn chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu giải pháp bảo vệ chống xói lở bờ thân thiện với môi trường (vừa có cây xanh bảo vệ bờ, vừa gia cố tăng tính ổn định cho mái bờ sông không bị sạt trượt khi mưa lũ)
- Nghiên cứu các phương pháp để giải quyết tình trạng bồi lắng các cửa sông (Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa Lác (chung với tỉnh Thừa Thiên Huế) khơi thông dòng chảy ra biển.
- Khi xây dựng cơ sở hạ tầng cần tính toán trả lại khẩu độ tiêu thoát lũ cho nội vùng.
- Nạo vét bối lắng, làm sạch cây cỏ khơi thông các sông đào và trục tiêu chính, đồng thời dở bỏ các đê bao bãi bồi ảnh hưởng đến dòng chảy.
- Không được đào hồ nuôi trồng thủy sản làm thu hẹp khẩu độ thoát lũ của sông.
- Quy hoạch và tổ chức tốt việc khai thác cát sạn không làm ảnh hưởng đến dòng chảy gây ra xói lở bờ sông.
- Cùng với biện pháp công trình, việc tổ chức tập huấn nâng cao ý thức cho chính quyền địa phương và cộng đồng thực hiện tốt Luật Đê điều, quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển theo Quyết định số: 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng chính phủ.
Hoàng Chiến Thắng - Chi cục Thủy lợi và PCLB
|